Ông bà nội lén kiểm tra ADN cháu trai vì nghi ngờ con dâu ngoại tình, hành động của người chồng gây chú ý

Google News

Mang thai và sinh con luôn là niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng với không ít phụ nữ, đó cũng là hành trình đầy thử thách.

Đặc biệt, trong những gia đình có sự khác biệt về văn hóa hay nguồn gốc, sự hoài nghi đôi khi lại làm tổn thương sâu sắc hơn cả nỗi đau thể chất. Câu chuyện của một người mẹ gốc Hàn Quốc, bị nghi ngờ không chung thủy chỉ vì con trai thứ 2 mang nhiều nét giống mẹ hơn bố, đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và suy ngẫm về tình yêu, lòng tin, và sự phân biệt trong gia đình.

Nghi ngờ chỉ vì cháu trai giống mẹ

Được biết người chồng trong câu chuyện này là người châu Âu (29 tuổi), còn vợ anh (32 tuổi) là người Hàn Quốc. Họ có 2 con trai. Cậu con cả giống bố như “khuôn đúc”, điều này khiến ông bà nội rất hài lòng và thường xuyên đến thăm.

Cậu con út chào đời, mang nhiều nét gốc Á từ mẹ.

Đến khi mang thai con thứ 2, những tháng đầu thai kỳ, cô con dâu bị nghén nặng, gần như không thể ăn uống đủ chất. Dẫu vậy, cô vẫn kiên trì tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ để đảm bảo con được phát triển khỏe mạnh. 

Những tháng cuối cùng, khi bụng bầu ngày càng nặng nề, cô vẫn cố gắng tự mình chăm sóc gia đình và chuẩn bị mọi thứ để chào đón con. Thậm chí, những đêm không ngủ vì đau nhức hay những lúc căng thẳng vì các xét nghiệm y tế cũng không làm cô nản lòng. Cô luôn nhắc nhở bản thân rằng, mọi nỗ lực đều đáng giá nếu điều đó mang lại hạnh phúc và sức khỏe cho con mình.

Thế nhưng, thay vì nhận được sự chia sẻ và động viên từ gia đình chồng, cô lại phải đối mặt với sự hoài nghi đầy bất công. Chính sự khác biệt về ngoại hình của con út chỉ giống mẹ – một điều hoàn toàn bình thường trong trường hợp mang thai lai đã khiến cô bị nghi ngờ không chung thủy. 

Đỉnh điểm là trong lần đầu tiên đến thăm cháu út, ông bà nội không giấu được vẻ thất vọng. Bà mẹ trẻ cảm nhận được sự lạnh nhạt, nhưng không ngờ rằng nghi ngờ ấy lại đi xa đến mức ông bà lén lấy mẫu ADN của cháu để kiểm tra.

Trong một lần đến thăm, mẹ chồng khăng khăng muốn ở riêng với cháu út trong phòng. Khi người chồng vô tình bước vào, anh bắt gặp bà đang dùng tăm bông để lấy mẫu ADN từ cháu nhỏ. Dù bà yêu cầu con trai giữ bí mật, anh quyết định nói hết sự thật với vợ vào sáng hôm sau.

Cảm giác bị tổn thương, người vợ tức giận cấm ông bà nội đến thăm cháu và thẳng thừng từ chối mọi yêu cầu xét nghiệm ADN. Dẫu vậy, ông bà nội vẫn cố gắng thuyết phục con trai và con dâu cho phép kiểm tra, thậm chí trách móc con trai vì đã “mách lẻo”.

Người chồng bảo vệ vợ: “Tôi không làm gì sai”

Trước tình huống này, người chồng khẳng định: “Con không làm gì sai khi bảo vệ vợ con. Con không muốn mẫu ADN của con mình xuất hiện trong bất kỳ cơ sở dữ liệu nào, và con không cho phép bất kỳ ai làm tổn thương gia đình mình”.

Người chồng kiên quyết không cho bố mẹ xét nghiệm ADN cho con trai.

Hành động đứng về phía vợ của anh nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Nhiều người khen ngợi anh đã xử lý đúng đắn, không để sự nghi ngờ gây rạn nứt gia đình.

Câu chuyện đã thu hút sự chú ý và tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích hành động của ông bà nội, cho rằng đó là biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc và thiếu tôn trọng. Một số ý kiến đáng chú ý:

- “Mang thai và sinh con đã là hành trình gian nan, vậy mà cô ấy còn phải đối mặt với sự nghi ngờ từ chính gia đình chồng. Điều này thật không công bằng".

- “Họ nghi ngờ chỉ vì cháu không giống người da trắng? Đây rõ ràng là một hành động phân biệt chủng tộc”.

- “Anh đã làm đúng khi bảo vệ vợ con. Đừng để con trẻ chịu tổn thương bởi sự phân biệt ngay trong gia đình mình”.

Có thể thấy đối với bất kỳ người phụ nữ nào, mang thai và sinh con đã là một hành trình khó khăn. Với những người mẹ gốc Á kết hôn cùng người châu Âu, việc đứa trẻ mang nhiều đặc điểm giống gen của mẹ là hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, thay vì trân trọng điều đó, ông bà nội lại để định kiến che lấp, khiến người mẹ trẻ vừa phải chịu đau đớn sau sinh vừa đối mặt với sự hoài nghi.

Những trường hợp được khuyến nghị nên làm xét nghiệm ADN

Xác định quan hệ huyết thống: Khi cần xác nhận mối quan hệ cha con hoặc các mối quan hệ gia đình khác vì lý do pháp lý, y tế, hoặc cá nhân.

- Kiểm tra di truyền trước khi sinh: Trong trường hợp thai nhi có nguy cơ mắc các bệnh di truyền nghiêm trọng, xét nghiệm ADN giúp phát hiện sớm và hỗ trợ lập kế hoạch chăm sóc y tế phù hợp.

- Hỗ trợ pháp lý: Khi cần chứng minh quan hệ huyết thống trong các vụ việc liên quan đến thừa kế tài sản, quyền nuôi con, hoặc các thủ tục pháp lý khác.

- Phát hiện dị tật hoặc bệnh lý bẩm sinh: Trong một số trường hợp, xét nghiệm ADN được sử dụng để phát hiện nguyên nhân của dị tật hoặc bệnh lý bẩm sinh, từ đó đưa ra phương án điều trị kịp thời.

- Kiểm tra nguy cơ mắc bệnh di truyền: Xét nghiệm ADN giúp đánh giá nguy cơ mắc các bệnh di truyền như ung thư, tim mạch, hoặc rối loạn chuyển hóa, hỗ trợ quá trình phòng ngừa và điều trị.

- Khi có sự cố y khoa hoặc tranh chấp liên quan đến thai kỳ: Ví dụ, trong trường hợp sinh đôi với những đặc điểm khác biệt, cần làm rõ nguyên nhân qua xét nghiệm ADN.

Việc thực hiện xét nghiệm ADN cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây tổn thương tâm lý và giữ gìn sự tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.

THY DUNG