Dế là một loại côn trùng sống phổ biến trong tự nhiên, đặc biệt tại các vùng nông thôn, với tuổi thọ trung bình chỉ từ 2 - 4 tháng. Trong tự nhiên, dế sinh trưởng quanh năm, nhiều nhất là vào mùa mưa. Dế có bản tính hung hăng, nhưng lại thích sống theo bầy đàn, môi trường sống rất đơn giản, không cầu kỳ, có thể ở hang hay trong những đám cỏ khô.
Thức ăn chủ yếu của loài vật này là rau, cỏ, củ, quả, trái cây, mầm cây, côn trùng nhỏ và bột ngũ cốc các loại. Dế ít uống nước, nhưng phải thường xuyên có đủ nước sạch và mát cho dế uống tự do.
Trong những nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra loài dế có rất nhiều tác dụng bổ ích đối với con người và có thể sử dụng chúng như những món ăn thuộc hàng "đặc sản". Ở nhiều quốc gia, nhất là khu vực châu Á, dế là nguồn thực phẩm phổ biến nên nhu cầu mua bán ngày càng cao.
Nhận thấy nhu cầu thị trường rộng lớn, việc nuôi dế lại không cần vốn đầu tư cao, quy trình chăm sóc đơn giản và thời gian thu hoạch ngắn, nên nhiều hộ gia đình đã lựa chọn nuôi dế để làm giàu. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn giúp các hộ nuôi dế duy trì một nguồn thu nhập ổn định.
Gia đình ông Lê Thanh Tường (ấp An Nghiệp, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vốn có truyền thống làm nông nghiệp. Ngoài làm vườn, ông Tường còn chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập. Trước đây, ông Tường có nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình nhưng không hiệu quả, năm 2016, ông quyết định từ bỏ dê để chuyển sang nuôi dế.
Ban đầu, ông Tường cũng gặp phải nhiều khó khăn khi chưa có kinh nghiệm, nhưng nhờ sự kiên trì tự tìm tài liệu học hỏi, áp dụng, với 1 ổ dế giống lúc mới đầu tư, ông hiện đã phát triển thành trại dế trên 80m2, với hơn 30 chuồng nuôi, số lượng xuất bán trên 400kg mỗi tháng.
Theo ông Tường, nuôi dế không tốn nhiều công chăm sóc, do dế là loài không cần nước nhiều. Mỗi ngày chỉ phun sương chuồng nuôi từ 4-5 lần để dế uống nước đọng lại trên chuồng. Nước cũng được ông Tường trộn thêm men tiêu hóa, dinh dưỡng tự bào chế để dế khỏe mạnh. Để nguồn thức ăn cho dế được đảm bảo, ông Tường tận dụng nguồn rau, củ, quả, lá cây trồng trong vườn nhà cho ăn như lá khoai mì, mít, lá chuối,...
Dế nuôi từ 26-34 ngày có thể xuất bán dế cho chim, cá ăn (tùy mùa nóng hay mưa). Dế nuôi từ 45-60 ngày đối với mùa nóng, còn mùa lạnh là 70 ngày là có thể khai thác trứng và xuất bán dế thương phẩm.
Hiện tại, giá dế đã sơ chế, cấp đông để bán thương phẩm từ 90.000-100.000 đồng/kg, dế bán cho chim, cá ăn dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg. Nhờ đó mỗi tháng ông Tường có thu nhập đến hơn 30 triệu đồng, gần 500 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, ông Trần An Vinh (ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đã áp dụng mô hình nuôi dế hơn 10 năm nay.
Gia đình ông Trần An Vinh rất thích món dế rang, nhưng mỗi lần vợ đi chợ sớm đều không thể tìm thấy dế đồng để mua. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ dế thương phẩm đang tăng cao, ông quyết định bắt tay vào việc nuôi dế. Năm 2013, ông đã bắt đầu khởi nghiệp từ một khay trứng dế cho thử nghiệm.
Chỉ sau 35 ngày chăm sóc, ông Vinh đã thu hoạch khoảng 3kg dế thịt cùng với 3 khay trứng mới. Nhận ra tiềm năng lớn từ loài động vật này, ông Vinh quyết tâm đầu tư lâu dài vào nghề nuôi dế.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, ông Vinh đã quyết định vay 40 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Hiện tại, ông quản lý 30 lồng nuôi, mỗi lồng có kích thước 2m x 3m x 0,5m, với sản lượng xuất khẩu khoảng 1,5 tấn dế thương phẩm mỗi tháng.
Nhờ kiên trì học hỏi và áp dụng các kỹ thuật, ông Vinh đã phát triển bền vững mô hình nuôi dế và các dịch vụ liên quan, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống gia đình. Mỗi tháng, doanh thu từ việc bán dế thịt, cung cấp trứng dế và thức ăn cho dế đã mang lại cho gia đình ông khoảng 70 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí. Tổng thu nhập hàng năm ước tính đạt khoảng 900 triệu đồng, có khi lên tới 1 tỷ đồng.
Thêm một người nông dân thành công với mô hình nuôi dế thương phẩm sạch là ông Hồ Đắc Vĩnh (ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Trước đây ông Vĩnh đã làm đủ thứ nghề, ai mướn gì làm nấy. Năm 2004 khi thấy có một người bạn bắt dế ngoài đồng về nuôi, ông cũng mua một ổ trứng về nuôi thử. Ban đầu nuôi chỉ có một chuồng dế, sau đó nhân lên khoảng 5 chuồng.
Nhưng thời điểm đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông Vĩnh đã mất trắng, thậm chí là lỗ vốn và phải làm nghề khác để trả nợ. Đến năm 2018, qua học hỏi trên mạng và tìm hiểu thực tế ở nhiều nơi, ông Vĩnh quay trở lại với mô hình nuôi dế.
Bằng số vốn 40 nghìn đồng, ông Vĩnh mua một ổ trứng về nuôi được một chuồng dế. Ban đầu chỉ lấy những tấm bạc cũ ngăn làm chuồng để nuôi. Sau hơn 1 tháng dế bắt đầu đẻ, ông tiếp tục gây giống và làm chuồng để nuôi thêm.
Theo ông Vĩnh, con dế rất dễ nuôi, chỉ cần nơi thoáng mát là dế có thể sinh sống được. Dế nuôi không cần phải dùng thuốc men, nuôi tự nhiên, sạch, ít bệnh, chỉ hao hụt chút đỉnh.
Sau nhiều năm nuôi dế, gia đình ông Vĩnh đã có nguồn thu nhập ổn định. Nguồn dế của gia đình ông bán cho các tỉnh phía Bắc, với giá từ 65.000-70.000 đồng/kg dế tươi và dế sấy bơ tỏi 500.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Vĩnh, nếu trừ các khoản chi phí, mỗi chuồng dế cho lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi năm, ông Vĩnh nhẹ nhàng bỏ túi gần 400 triệu đồng.
Có thể thấy, dế là loài vật nuôi có vốn đầu tư thấp, dễ chăm sóc, thu hoạch ngắn. Ngày càng nhiều hộ nông dân áp dụng mô hình nuôi dế cho ra sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và đem lại nguồn thu nhập ổn định.
THẢO ANH