Bệnh sốt xuất huyết đang tăng
ThS.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, sau Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện bắt đầu tăng so với thời điểm 1-2 tháng trước Tết. Tính đến ngày 6/2, tại khoa Nhiễm có 16 bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị. Trong đó, có 5 ca bệnh nặng do sốc, tổn thương nội tạng, suy hô hấp phải thở CPAP.
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui, dịp Tết Nguyên Đán, tiết trời ẩm ướt, mưa nhiều tạo điều kiện cho bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Độ ẩm cao là môi trường lý tưởng cho muỗi vằn sinh sôi, phát tán, từ đó làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh, đặc biệt là khi người dân di chuyển nhiều và tụ tập đông đúc trong dịp lễ.
Phần lớn trẻ em mắc bệnh có độ tuổi từ 10-15 tuổi. Đối tượng khó điều trị và dễ gặp biến chứng nặng là trẻ em có tình trạng béo phì. So với trẻ có cân nặng bình thường, trẻ béo phì thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc lấy ven do lớp mô mỡ dưới da dày khiến tĩnh mạch bị che lấp, khó nhìn thấy và khó sờ nắn.
Bên cạnh đó, trẻ béo phì, việc điều chỉnh lượng dịch càng khó hơn vì các công thức tính toán thường dựa trên cân nặng, nhưng cơ thể trẻ béo phì có lượng mỡ nhiều hơn so với lượng nước trong cơ thể. Nếu truyền dịch quá mức dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Các ca bệnh sốt xuất huyết đang tăng. (Ảnh minh họa).
Dựa trên số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, ThS.BS Nguyễn Đình Qui dự đoán, thời gian tới, số lượng ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng. Dựa trên chu trình phát triển của dịch bệnh và điều kiện thời tiết, thời điểm bệnh sốt xuất huyết đạt đỉnh dịch là tầm tháng 4 - tháng 5 trở về sau. Khu vực phía Bắc đã bắt đầu tăng dần.
“Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết vẫn trong trong tầm kiểm soát. Nhưng thông thường, tỷ lệ bệnh sốt xuất huyết nặng sẽ chiếm 5-10% so với tổng số ca mắc, với số lượng 5 ca bệnh nặng trong tổng số 16 ca như hiện tại thì tỷ lệ đã chiếm hơn 20%, điều này cho thấy tình hình bệnh đang có sự chuyển biến đáng lo ngại”, ThS.BS Nguyễn Đình Qui nói.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus Dengue, lây qua vết đốt của muỗi vằn (Aedes). Để phòng tránh bệnh này, bác sĩ Qui cho rằng, việc diệt muỗi và bảo vệ bản thân khỏi bị muỗi đốt là những biện pháp quan trọng và cần thiết. Việc diệt muỗi cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Muỗi vằn thường sinh sống và đẻ trứng trong các khu vực có nước đọng, vì vậy cần dọn dẹp, làm sạch các dụng cụ chứa nước như: thùng, chậu, vũng nước quanh nhà. Các vật dụng như: lốp xe cũ, vỏ dừa hoặc bát đĩa để ngoài trời là những nơi lý tưởng cho muỗi sinh sản. Phải chắc chắn rằng tất cả các bể chứa nước trong nhà đều có nắp đậy kín, tránh để nước mưa đọng lại trong những khu vực này.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các biện pháp diệt muỗi như: xịt thuốc diệt muỗi, sử dụng màn chống muỗi khi ngủ hoặc lắp màn cửa ở các cửa sổ, cửa ra vào cũng giúp hạn chế sự xâm nhập của muỗi vào trong nhà. Các loại thuốc xịt muỗi, kem chống muỗi cũng có thể sử dụng khi ra ngoài, đặc biệt là vào những thời điểm muỗi hoạt động mạnh như: sáng sớm, chiều tối.
Diệt muỗi là biện pháp then chốt để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa).
Ngoài việc diệt muỗi, mỗi người cũng cần tự bảo vệ bản thân bằng cách mặc quần áo dài tay, đồng thời sử dụng thuốc chống muỗi khi ra ngoài, đặc biệt khi đến các khu vực có nhiều muỗi. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh sốt xuất huyết, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để xác định hướng điều trị và hạn chế tiếp xúc với những người khác, nhằm tránh nguy cơ lây lan.
Nếu trẻ sốt cao liên tục từ 2-3 ngày từ 39-40 độ bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để được làm xét nghiệm xem có bị sốt xuất huyết không. Bởi, so với các bệnh sốt thông thường, sốt xuất huyết cần điều trị đặc biệt và theo dõi chặt chẽ.
Trẻ cần được theo dõi liên tục, làm xét nghiệm máu mỗi ngày để kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ tránh tình trạng trẻ bị cô đặc máu hay giảm tiểu cầu,... Phải xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh để từ đó quyết định xem liệu trẻ cần nhập viện điều trị hay có thể tiếp tục theo dõi và điều trị tại nhà. Việc đưa trẻ đi khám càng sớm càng giúp xác định chính xác bệnh, giúp việc điều trị trở nên hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho trẻ.
Lưu ý các trường hợp bệnh nặng
Như bác sĩ Qui chia sẻ, thông thường 60% trường hợp bị mắc bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị được ở nhà do không xuất hiệu các dấu hiệu cảnh báo. Tình trạng sức khỏe trẻ ổn định vẫn có thể sinh hoạt, điều trị bằng thuốc ở nhà. Nhưng 40% còn lại là đối tượng cần được lưu ý. Nếu trẻ xuất hiện tình trạng như: ói nhiều, đau bụng dữ dội, chảy máu mũi, chảy máu chân răng hoặc xét nghiệm có dấu hiệu bất thường như: tiểu cầu giảm sâu, máu cô đặc,... thì tốt nhất, bố mẹ nên đưa trẻ nhập viện để được điều trị sớm.
Bác sĩ Qui cũng đưa ra lưu ý với đối tượng nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi, bởi đây là đối tượng khó kiểm soát nhất. Khi sốt xuất huyết biểu hiện ở trẻ nhũ nhi rất khó chẩn đoán vì các bé còn quá nhỏ để diễn tả những được triệu chứng trong cơ thể. Hơn nữa, biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh lại tương tự với các bệnh lý khác nên dễ nhầm lẫn. Các triệu chứng cũng rất mơ hồ như: quấy khóc, sốt cao kéo dài mà không rõ nguyên nhân. Điều này khiến cho việc theo dõi tình trạng bệnh của trẻ trở nên phức tạp và dễ dẫn đến chẩn đoán muộn.
Tỷ lệ những ca bệnh nặng chiếm 20% trong tổng số ca bệnh.
Bệnh cũng diễn tiến khá phức tạp, rất dễ trở nặng, khó dự kiến thời gian xuất hiện sốc cũng như khó tiên lượng kết quả điều trị. Vì vậy, khi trẻ dưới 12 tháng tuổi có dấu hiệu sốt kéo dài, các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và xử lý kịp thời. Nếu không được chữa chữa trị kịp thường trẻ sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.
Một trong những biến chứng thường gặp ở trẻ em khi mắc bệnh sốt xuất huyết là sốc do thất thoát dịch ra phía ngoài. Khi mắc bệnh, hệ thống mạch máu bị tổn thương, gây ra hiện tượng rò rỉ dịch từ các mạch máu vào không gian bên ngoài, khiến cơ thể bị mất một lượng lớn dịch. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu dịch nghiêm trọng, gây sốc và suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng như: tim, phổi, thận.
Một biến chứng khác là tổn thương gan. Sốt xuất huyết có thể gây viêm gan, dẫn đến suy giảm chức năng gan. Chưa kể, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng có thể dẫn đến suy hô hấp phải hỗ trợ hô hấp bằng các phương pháp thở áp suất dương liên tục CPAP.
Các biến chứng này rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em, vì hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, khả năng chống chọi với bệnh tật còn yếu. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, các biến chứng có thể dẫn đến suy đa cơ quan, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi trẻ có triệu chứng sốt kéo dài và nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
AN THANH