Nàng dâu trẻ kiệt sức, muốn kết thúc cuộc đời sau một năm kết hôn và chung sống với mẹ chồng

Google News

Do khác nhau về lối sống và suy nghĩ, nhiều người trẻ khi lập gia đình đã không thích ứng được cuộc sống mới, từ đó gây nên những vấn đề tâm lý trầm trọng.

Thúy Hạnh (25 tuổi, ở Hà Nội) và chồng là Minh Quân (27 tuổi) đã có thời gian 3 năm yêu nhau, sau đó mới tiến tới hôn nhân. Đám cưới trong mơ được tổ chức ở một khách sạn lớn tại Hà Nội, quan khách tới dự ai cũng xuýt xoa khen ngợi cặp đôi là “trai tài gái sắc”. Thế nhưng khi bước vào cuộc sống hôn nhân thật sự, Hạnh đã thật sự vỡ mộng, cô không nghĩ rằng cuộc sống gia đình lại phức tạp đến vậy.

Biết vậy tôi chưa vội lấy chồng”, Hạnh nói và chia sẻ thêm rằng, do cô mới đi làm, công việc chưa ổn định nên chưa có kinh tế. Còn chồng cô, khi yêu chiều chuộng bao nhiêu, giờ như biến thành người khác khi chỉ biết lao đầu vào công việc, cả tuần chẳng đưa vợ đi chơi lấy một lần.

Chẳng những thế, Hạnh phải sống cùng mẹ chồng đã về hưu, nên có nhiều thời gian ở nhà, vì thế kiểm soát con dâu mọi việc. “Ăn tiêu phải biết tiết kiệm”, “đừng lãnh phí đồ ăn như thế”, “sao đặt đồ ăn ở ngoài về hoài vậy”… là những lời ca thán Hạnh thường xuyên nhận được từ mẹ chồng.

Mẹ chồng tôi quyết định mọi thứ. Chồng thì nghe lời mẹ, tôi chẳng có tiếng nói gì ở trong gia đình. Điều này khiến tôi vỡ mộng về một gia đình hạnh phúc, cảm thấy chán nản và bất lực vô cùng”, Hạnh nói.

Do khác nhau về suy nghĩ, lối sống khiến nàng dâu trẻ cảm thấy kiệt sức, không còn động lực sống. Ảnh minh họa. 

Sau hơn một năm sống như vậy, Hạnh cảm thấy mất hẳn động lực, luôn cảm thấy mình vô dụng, mất ngủ nhiều đêm vì suy nghĩ, rồi cô muốn tự tử nhưng may mắn được phát hiện và đưa đi khám kịp thời.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Hoàng Quốc Lân (Thành viên Hội tâm lý trị liệu Việt Nam) cho biết, khi tới khám người vợ trẻ này gần như kiệt sức về mặt tinh thần, không có động lực sống. Sau khi khám và test tâm lý, Hạnh được chẩn đoán bị trầm cảm nặng và cần phải điều trị, can thiệp tâm lý.

Theo đó, nữ bệnh nhân này được điều trị liệu pháp trị liệu cá nhân (Liệu pháp nhận thức hành vi - CBT) để giúp nhận thức rõ về giá trị bản thân và học cách đặt ranh giới. Điều này, giúp cô thay đổi nhận thức đang méo mó, tiêu cực về hình ảnh bản thân.

Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý cũng can thiệp theo hướng hệ thống gia đình. Tức là bác sĩ không chỉ làm việc với bệnh nhân mà còn gặp gỡ các thành viên khác, nhất là chồng và mẹ chồng để đưa ra những tư vấn tâm lý, giúp các thành viên hiểu nhau hơn. 

Sau khoảng 3-4 tháng, với sự kiên trì và hỗ trợ từ gia đình, bệnh nhân dần lấy lại sự tự tin, thiết lập được ranh giới một cách khéo léo mà không làm rạn nứt mối quan hệ với mẹ chồng. Tình trạng trầm cảm của người vợ trẻ được cải thiện đáng kể và quan trọng hơn là đã tìm được tiếng nói của mình trong gia đình.

Sau hơn 3 tháng điều trị, nàng dâu trẻ đã nhận ra giá trị bản thân và cải thiện tình trạng trầm cảm, cuộc sống cân bằng hơn. Ảnh: Lê Phương.

Thạc sĩ Quốc Lân cho rằng, các “nàng dâu trẻ” hiện nay có lối sống hiện đại, suy nghĩ thoáng nên khi bước vào cuộc sống gia đình, nhất là phải sống chung với mẹ chồng thường sẽ bị “ngợp”. Sự khác biệt về lối sống, suy nghĩ sẽ khiến các nàng dâu cảm thấy cô đơn, lạc lõng, thậm chí là có nhiều cảm xúc tiêu cực.

Do vậy, để duy trì mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, chuyên gia Quốc Lân cho rằng, các nàng dâu cần phải tự biết cân bằng, nên duy trì một góc nhỏ cho riêng mình như đi caffe, đọc sách hoặc tập thể dục… nói chung là làm những điều mình thích để giải tỏa những căng thẳng, stress.

Ngoài ra, chị em nên xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với bạn bè, đồng nghiệp, không nên chỉ xoay quanh chồng, mẹ chồng hay gia đình chồng. Những cuộc trò chuyện này rất quan trọng, giúp mọi người cảm thấy được kết nối và không bị cô lập.

Việc được làm những gì mình thích, chia sẻ những suy nghĩ với bạn bè mình tinh tưởng sẽ giúp chị em “sạc lại năng lượng” tích cực sau những giờ phút căng thẳng. Hơn nữa, chị em cũng cần thay đổi suy nghĩ về nhà chồng, hãy tìm điểm tích cực để nhân lên, không nên chỉ nhìn điểm tiêu cực để chính mình cũng bị cuốn vào “hố sâu” đó”, chuyên gia Quốc Lân khuyên.

LÊ PHƯƠNG.