Tận dụng thời gian nghỉ để phấn đấu
Tết là thời điểm gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm đầm ấm, nơi tình thân được gắn kết và chia sẻ những khoảnh khắc thiêng liêng đầu năm mới. Tuy nhiên, đối với những du học sinh chưa có điều kiện trở về quê hương, Tết lại mang một ý nghĩa khác biệt. Đó là nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị truyền thống, mùi của bánh chưng, bánh tét, củ kiệu dưa hành...
Dù vậy, nhiều du học sinh vẫn cố gắng tái hiện không khí Tết qua những bữa cơm tự chuẩn bị, tự vào bếp chuẩn bị món ăn mang hương vị quê nhà, hay đơn giản chỉ là những cuộc gọi video với gia đình để cảm nhận phần nào hơi ấm quê hương. Tết xa nhà không chỉ là thử thách, mà còn là dịp để họ trân trọng hơn những giá trị gia đình và quê hương.
Tuy đã 2 năm bắt đầu cuộc sống tự lập tại Trung Quốc nhưng Tết Ất Tỵ 2025 sẽ là năm đầu tiên nữ sinh Lý Thị Chúa (du học sinh tại Tô Châu) đón Tết xa nhà. Chia sẻ về dự định này, cô cho biết do chi phí di chuyển về quê khá đắt đỏ và tốn kém nên chọn cách đón Tết tại mảnh đất mà mình đang theo học.
Ở lại Trung Quốc đón Tết Nguyên đán, tuy có hơi buồn tủi nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nữ sinh đành gác lại niềm vui, tập trung học tập và tận dụng thời gian để kiếm thêm thu nhập.
Trước khi du học, nữ sinh đã dành nhiều thời gian học ngôn ngữ, tập viết chữ để dễ dàng nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Trên trang cá nhân, Thị Chúa thường xuyên cập nhật hình ảnh giao lưu cùng bạn bè quốc tế, cô cho biết nhờ những lần gặp gỡ, tham gia hoạt động ngoại khóa nên dễ dàng học hỏi, làm quen, tạo ra nhiều cơ hội mới cho con đường sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, những ngày cận kề với Tết Nguyên đán, trong lòng nữ sinh hụt hẫng một nhịp vì đón Tết xa quê. “Thời gian nghỉ Tết ở Trung Quốc tương đối dài, nếu quay trở về nhà đón Tết ở thời điểm này thì chi phí khá cao. Thay vào đó, mình sẽ tận dụng thời gian để học tập, trau dồi thêm kiến thức. Ngoài ra, mình còn kiếm công việc làm thêm ngoài giờ để có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống xa nhà, nếu có dư thì mình gửi về cho ba mẹ”, nữ sinh tâm sự.
Nhờ sự chuẩn bị về ngôn ngữ từ trước nên nữ sinh dễ dàng bắt chuyện, làm quen với bạn bè quốc tế. Trong những ngày Tết, ngoài dự định gọi về cho người thân, cô còn sắp xếp thời gian để xuống phố vui xuân cùng bạn bè.
Vào thời khắc giao thừa, nữ sinh dự định sẽ gọi video về quê để chúc Tết gia đình và tranh thủ thời gian đi dạo phố phường, cảm nhận không khí của Tết Nguyên đán. Cô hy vọng ba mẹ sẽ luôn giữ gìn sức khỏe và bản thân sẽ cố gắng kiếm thu nhập trong mùa Tết tại Trung Quốc để phụ huynh yên tâm vì con gái nay đã lớn, tự lo được cho bản thân mình.
Vào bếp nấu món Tết cho bạn bè quốc tế, ngóng chờ Táo Quân 2025
Trái ngược với lần đầu tiên đón Tết xa nhà, nữ sinh Đinh Thuận Nhân (du học tại Anh) đã tận hưởng không khí mùa xuân theo cách rất riêng. “Năm ngoái vì mới sang du học nên mình chưa quen biết ai, lại phải tập trung vào học nên Tết xa nhà thấy tủi và buồn lắm. Năm nay thì khác hẳn. Từ khi tham gia hội sinh viên Việt Nam tại Anh thì mình đã quen và gặp gỡ được rất nhiều anh chị và bạn bè. Sau đó tham gia các sự kiện Tết Việt được tổ chức với không gian ấm cúng, được thưởng thức đồ ăn truyền thống vào dịp Tết như: bánh chưng, kẹo mứt, phở… và cùng nhau diện áo dài truyền thống, trao bao lì xì may mắn giúp những học sinh xa quê như mình phần nào được sống trong không khí Tết” - nữ sinh tâm sự.
Nữ du học sinh Anh diện áo dài truyền thống, đón Tết Việt tại đất nước cách xa hơn 10.000km.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, Thuận Nhân lại thèm cảm giác quây quần bên ông bà, chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên, nhớ hương vị nem rán - món ăn đặc sản của Hà Nội mà do bà ngoại tự tay chuẩn bị cho cháu gái. Không chỉ là thời khắc giao thừa thiêng liêng, cùng nhau tất bật dọn dẹp nhà cửa đón Tết mà đây là cách gia đình Thuận Nhân kết nối các thế hệ, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên bằng các món ăn truyền thống cầu kỳ, tỉ mỉ và mâm ngũ quả đầy đủ sắc màu.
Năm nay, Thuận Nhân quyết định vào bếp “tìm” vị Tết bằng cách tự tay chế biến những món ăn đậm nét truyền thống, đãi bạn bè là du học sinh các nước để tạo nên kỷ niệm thật đẹp khi ăn Tết xa nhà. Không chỉ thế, nữ sinh mong muốn quảng bá nét văn hóa ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế.
Để nấu được món ăn chuẩn Việt chiêu đãi bạn bè quốc tế, Thuận Nhân đã tìm kiếm nguyên liệu tại các khu chợ có người Việt sinh sống và một phần đến từ mẹ của nữ sinh gửi từ quê sang Anh.
Nữ du học sinh tâm sự đã vào bếp chiêu đãi bạn bè quốc tế bằng các món ngon truyền thống xuất hiện trong ngày Tết như nem rán, thịt kho trứng, miến măng gà…
“Có bạn thậm chí trước đây chưa từng thử hoặc không ưa thích một vài gia vị như măng hay nấm hương thì sau khi thưởng thức món Việt cũng phải gật gù khen ngon. Đối với mình đó là niềm tự hào, vì qua những món ăn mình không chỉ giới thiệu về quê hương mà còn khiến bạn bè quốc tế trải nghiệm và yêu thích ẩm thực truyền thống của Việt Nam” - nữ sinh nhớ lại những lời nhận xét của bạn bè khi lần đầu thưởng thức món ăn đậm vị Tết của người Việt.
Không chỉ thế, từ nước Anh xa xôi, Thuận Nhân vẫn chờ đợi khoảnh khắc giao thừa, vẫn ngóng Táo Quân - một mảnh ghép không thể thiếu đối với tuổi thơ của nữ du học sinh: “Đối với gia đình mình, Táo Quân không chỉ là một chương trình giải trí mà còn là dịp để cả nhà cùng nhau quây quần, cười đùa và tận hưởng không khí Tết. Nhà mình luôn trêu nhau rằng "không có Táo Quân là không có Tết" và với cá nhân mình, nếu năm nào mà không có Táo Quân, cảm giác như Tết thiếu một thứ gì đó rất đặc biệt”.
Sinh sống xa quê, bắt đầu cuộc sống tự lập, mọi thứ phải làm một mình. Tuy nhiên, lấy gia đình làm động lực, Thuận Nhân nhanh chóng làm quen với môi trường mới, nền văn hóa bản địa của người Anh. Đến nay, nữ sinh đã có thể kết nối với những du học người Việt và quốc tế tại Anh, tạo nên những kỷ niệm khó quên.
Thuận Nhân và những người bạn ngoại quốc của mình.
Hiện tại, tuy việc học tập có bận rộn, lịch đến trường vẫn đều đặn như mọi khi nhưng Thuận Nhân vẫn sẽ dành thời gian gọi điện về nhà vào ngày đầu năm mới. Nữ sinh cho biết khi đón Tết xa quê, chỉ cần nghe được giọng nói của người thân ở đầu dây bên kia của điện thoại cũng đủ làm cô thấy hạnh phúc.
Đều phải đón Tết xa quê, cả Thị Chúa và Thuận Nhân đều mong muốn dù ở bất kỳ nơi nào, du học sinh hãy nhớ về gia đình, dành thời gian để gọi điện thoại về cho ba mẹ vào những ngày đầu năm. Tuy không về quê đón Tết, không được trực tiếp thưởng thức bánh chưng, dưa hành nhưng cả hai nữ sinh đều mong muốn các bạn du học sinh hãy giữ tinh thần lạc quan, tích cực và tự tạo niềm vui cho chính mình bằng những hoạt động thiết thực, lành mạnh trong những ngày đầu năm Ất Tỵ.
TẤN PHƯỚC