Miền Tây Nam Bộ là thủ phủ trái cây của Việt Nam khi nơi sở hữu đủ các loại trái cây cả quen thuộc lẫn độc đáo, thậm chí có những loại quả mà nhiều người còn chưa hề nghe nói tới chứ đừng nói đến việc được thưởng thức. Trong đó phải kể tới trái cám.

Cận cảnh trái cám miền Tây
Ẩn mình trong những tán rừng thưa hay ven sông nước miền Tây Nam Bộ, trước đây trái cám từng chỉ là thứ quả rụng đầy gốc, ít ai để mắt tới. Mấy năm gần đây, loại trái dân dã ấy lại trở thành “hàng hiếm” trong mắt người thành thị, được săn lùng vì hương thơm ngọt ngào, vị ngon độc đáo.
Cây cám có tên khoa học là Parinari Annamensis, thuộc bộ Sơ Ri (Malpighiales). Cây sinh trưởng chủ yếu ở các rừng lá rộng thường xanh, độ cao dưới 800m, thích hợp với vùng đất pha cát hoặc đá ẩm. Tại Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra còn xuất hiện tại Lào, Thái Lan, Campuchia.
Cây cám là loài thân gỗ trung bình đến lớn, cao từ 15-30 mét, có đường kính thân lên tới 60cm. Khi ra hoa, hoa mọc thành chùm ở ngọn, phủ đầy lông vàng nhạt, tỏa mùi thơm nhẹ.

Loại quả này có phần ruột giống hình con cá, vị độc lạ
Trái cám có hình trứng hoặc gần tròn, kích thước khoảng 4x3cm. Vỏ ngoài dày, sần sùi, phủ lớp vảy xám bạc li ti. Nhân bên trong có hình dáng giống như một con cá nhỏ, vì thế nhiều nơi gọi nó là trái cá.
Thời điểm trái cám chín rộ thường rơi vào khoảng tháng 10 âm lịch đến sau Tết Nguyên đán. Khi chín, vỏ chuyển sang màu vàng nâu bóng, tỏa ra mùi thơm đặc trưng, ngọt mát và dễ chịu. Cây càng lâu năm thì càng sai quả, mọc trĩu trịt trên các cành cao.
Không chỉ là món ngon lạ miệng, trái cám còn có nhiều giá trị sử dụng khác. Nhân quả cám có thể dùng để ngâm rượu, cho ra loại rượu có hương vị riêng biệt, thường được người dân dùng trong dịp lễ hay để mời khách quý. Khi còn non, quả có thể xắt lát, phơi khô làm dược liệu trị tiêu chảy, kích thích tiêu hóa. Hạt cám cũng rất giàu dầu, có thể chiết xuất làm nguyên liệu cho xà phòng và các sản phẩm chăm sóc da. Hoa của cây cám còn được ví như lan rừng bởi mùi hương dịu ngọt, dễ chịu.

Ngoài ăn trực tiếp, trái cám có thể dùng ngâm rượu
Chị Loan (ở Trà Vinh) kể lại: “Ngày xưa trái cám mọc đầy rừng, không ai hái. Nhưng giờ hiếm lắm, có khi thấy một trái chín rụng dưới đất mà mừng như bắt được vàng, vì mùi thơm và vị ngọt rất lạ, không giống bất kỳ loại quả nào khác”.
Trên các sàn thương mại điện tử hoặc chợ online, đôi khi người ta rao bán trái cám với giá dao động từ 60.000 đến 100.000 đồng/kg. Dù không phổ biến rộng rãi, nhưng đây vẫn là món hàng được nhiều người tìm kiếm nhờ sự độc đáo và giá trị hoài niệm.
Gần đây, một số người bắt đầu tìm mua giống cây cám để trồng tại nhà. Cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể sinh trưởng tốt ngay trong chậu hoặc vườn nhỏ. Nhờ khả năng phát triển tự nhiên, cây cám không cần phân bón hóa học, lại có bóng mát và cho trái sạch, giàu dinh dưỡng.
H.A