Trái bần là đặc sản ở miền Tây. Nghe tên đã thấy nghèo nhưng trái bần có hương vị rất riêng, tạo nên nét ẩm thực đặc trưng của vùng sông nước.
Theo tìm hiểu, trái bần còn có tên gọi khác là thuỷ liễu, tên khoa học là Sonneratia caseolaris, được tìm thấy nhiều trong các bãi bùn thủy triều nhiệt đới trải dài từ châu Phi đến Indonesia.
Trái bần có hình tròn, hơi dẹt và có vị chua. Đuôi trái bần nhọn và phần cuống chỉa ra như các cánh ngôi sao. Lớp vỏ ngoài màu xanh lá cây khi còn non nhưng chuyển sang màu hơi vàng và thoảng hương thơm nhẹ khi chín. Trước đây, trái bần rụng đầy bờ kênh, bờ ao nhưng ít ai ngó ngàng. Chỉ có người dân địa phương hái về để ăn sống, chấm muối ớt hoặc chấm mắm nêm, nấu canh chua...
"Trái bần có 2 loại, nếu để nấu canh chua hoặc tạo vị chua cho món ăn thì dùng trái bần chua. Còn để ăn trực tiếp kèm với mắm cá hoặc chấm muối ớt thì dùng trái bần ổi. Hiện nay trái bần thành đặc sản được nhiều người tìm mua nên các hộ dân còn trồng để hái quả bán", Hà Giang (ở Long An) chia sẻ.
Tại chợ địa phương, trái bần được bán nhiều khi đến mùa. 1kg trái bần có giá khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg. Chỉ cần mua khoảng 10.000 đồng là đủ nấu cho một bữa. Trái bần còn được làm thành các sản phẩm mứt bần, bột bần để xuất khẩu ra nước ngoài.
Trái bần có nhiều công dụng đối với sức khoẻ. Ở Ấn Độ, người ta sử dụng nước ép trái bần bằng cách lên men để tạo ra một loại thuốc có tác dụng ức chế xuất huyết. Dùng lá giã ra, thêm tí muối, làm thuốc đắp tốt các vết thương đụng giập và vết thương nhẹ.
Ở Malaysia, người ta giã lá với gạo để làm thuốc chữa bí tiểu và diệt ký sinh trùng đường ruột. Họ ăn trái bần chín để trị ho. Họ dùng trái bần chín để trị những ký sinh trùng trong ruột, giun, sán.
Ở Philippines người ta dùng lá và trái bần non xay nhuyễn để cầm máu, trị bong gân, chỗ sưng. Ăn quả hay lá bần trừ được giun, sán.
Trái bần có chứa chất màu archin (emodin) và archicin (axit chrysophanic), có tác dụng chống oxy hóa, nhuận tràng, giải độc. Trái bần là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Trái bần chứa tỷ lệ cao carbohydrate, protein, lipid và axit ascorbic.
Theo Đông y, trái bần có vị chua và chát dù là chín hay sống nhưng khi chín mùi thơm rất nồng nàn. Nhờ trái có vị chua của phó mát và tính mát nên có tác dụng tiêu viêm, giảm đau. Lá có tác dụng chữa bí tiểu tiện và cầm máu.
Chữa bong gân, viêm tấy: Dùng quả non, rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng sưng tấy. Có thể dùng băng cố định và thay 1 lần/ngày.
Chữa bí tiểu tiện: Giã lá bần lẫn với cơm quả bần làm thuốc đắp vào bụng dưới.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại: Chiết xuất từ cây bần có tác dụng chống oxy hóa, hạ đường huyết và kháng khuẩn. Dịch chua từ trái bần có tác dụng bảo vệ tế bào gan, gây độc đối với ấu trùng muỗi và chống viêm. Chiết xuất từ bần có tác dụng ức chế ung thư vú, ung thư phổi và ung thư biểu mô.
Ngoài ra, cây bần còn ức chế enzyme acetylcholinesterase - enzyme làm ngưng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy, vị thuốc này có tác dụng ngăn chặn phát triển bệnh Alzheimer (một chứng bệnh xảy ra do thoái hóa thần kinh).
H.A