Cây hòe có nhiều tại Việt Nam, rất dễ trồng và phát triển nhanh không cần chăm bón. Hòe chủ yếu được trồng làm cây cảnh và mang nhiều ý nghĩa phong thủy như mang lại tài lộc, danh vọng và bình an. Chính vì lẽ đó, người xưa quan niệm rằng: “Một cây hòe trước nhà không chiêu của báu thì cũng chiêu tiền bạc”. Quan niệm này cho thấy cây hòe là một trong những loại cây phong thủy giúp đón tài lộc vào nhà cho gia chủ.
Ngoài là cây cảnh, hoa của cây hòe còn là vị thuốc quý, có nhiều tác dụng với cơ thể, nhưng tiếc là ít người biết đến và sử dụng. Dược liệu sử dụng chính là nụ hoa hòe, nụ hòe được thu hoạch khi còn mới, to và sắp nở. Hoa được hái khi trời khô ráo vào sáng sớm, rửa sạch, phơi, sấy khô dùng sống, sao vàng (gọi là hòe hoa sao) hoặc sao khô bằng nồi đất với lửa to để cháy tồn tính 7/10 phần (gọi là hòe hoa thán). Có thể có lẫn hoa đã nở theo tỉ lệ không quá 10%, ngoài ra còn có thể sử dụng quả hòe.
Cây hòe không chỉ có ý nghĩa phong thủy mà hoa của loại cây này có nhiều tác dụng với sức khỏe. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3 cho biết, hoa hòe là một vị thuốc thường dùng trong Đông y với tính hàn, vị đắng. Hoa hòe có tác dụng tăng sức đề kháng, làm vững bền thành mạch, giảm tính thấm và tăng độ bền mao mạch, phục hồi tính đàn hồi mạch máu, giảm sự tiêu hao oxy của cơ tim, giúp hạ huyết áp, chống kết tập tiểu cầu, hạ cholesterol, cường tim, giãn động mạch vành, giảm co thắt cơ trơn phế quản và ruột, chống viêm, cầm máu…
Theo bác sĩ Duy, khi dùng hoa hòe làm nước uống thay trà sẽ mang lại một số tác dụng sau:
- Thanh nhiệt, giải độc: Hoa hòe có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, đặc biệt hữu ích trong mùa hè để giảm cảm giác nóng bức.
- Lương huyết, chỉ huyết: Dược tính của hoa hòe giúp cầm máu, dùng trong các trường hợp xuất huyết như chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa.
- Bảo vệ mạch máu: Các nghiên cứu hiện đại cho thấy hoa hòe chứa rutin, một loại flavonoid có tác dụng tăng cường sức bền của mạch máu, giảm nguy cơ xuất huyết, và hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Hiện có một số thông tin cho rằng, hoa hòe có khả năng chữa ung thư, bác sĩ Duy cho rằng, dù có một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất trong hoa hòe, như rutin và quercetin, có khả năng chống oxy hóa, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trong các nghiên cứu thí nghiệm, nhưng hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học đủ mạnh để khẳng định hoa hòe có tác dụng chữa ung thư.
Các tác dụng chống ung thư của hoa hòe nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ và chưa thể thay thế cho các phương pháp điều trị chính thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Vì vậy, không nên dựa hoàn toàn vào hoa hòe để điều trị ung thư, mà cần kết hợp với các phương pháp điều trị được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Hoa hòe có nhiều tác dụng, trong đó giúp bảo vệ mạch máu rất tốt. Ảnh minh họa.
Do hoa hòe có tính hàn vì thế khi sử dụng bác sĩ Duy lưu ý một số điểm sau:
- Không nên sử dụng cho những người có tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai, hoặc trẻ em dưới 5 tuổi nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không nên sử dụng liên tục trong thời gian dài mà không có sự tư vấn của chuyên gia.
- Người có triệu chứng tiêu chảy, lạnh bụng, dễ bị lạnh chân tay nên cẩn thận khi sử dụng hoặc hạn chế sử dụng thường xuyên. Sử dụng quá mức có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, lạnh bụng, hoặc làm giảm chức năng tiêu hóa.
Để sử dụng hoa hòe hiệu quả, bác sĩ Duy khuyến cáo, liều lượng khuyến nghị thường là từ 5-10 gram hoa hòe khô cho mỗi lần pha trà, uống 1-2 lần trong ngày. Nếu sử dụng dạng bột, có thể sử dụng từ 3-5 gram mỗi lần. Việc sử dụng hoa hòe cần tuân theo chỉ dẫn của các chuyên gia về y học cổ truyền, nên tránh dùng liên tục trong thời gian dài để tránh tác dụng phụ.
LÊ PHƯƠNG.