Có một câu hỏi từng nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng rằng: "Khi một người trở nên khôn ngoan xuất sắc, họ sẽ như thế nào?"
Không ít câu trả lời xuất hiện ở phần bình luận có đại ý là khi người đó sở hữu điểm số cao trong các cuộc thi, cũng có người cho rằng đó là khi thu nhập của họ khiến nhiều người khác phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên, khi một người đủ xuất sắc, khôn ngoan, chắc chắn họ sẽ biết đánh giá cao người khác.
Matsushita Konosuke, cha đẻ của Panasonic từng nói: "Chỉ khi biết trân trọng những điểm mạnh của người khác, bạn mới có thể dẫn dắt được nhiều người".
Nếu một người biết trân trọng người khác, nhìn thấy những điểm mạnh của đối phương, điều đó chứng tỏ họ không hề thua kém trong lòng mà còn rất tự tin. Và chỉ những người thực sự xuất sắc, khôn ngoan mới có đủ tự tin vào bản thân.
Vì vậy, khi muốn biết một người có đủ xuất sắc, khôn ngoan hay không, hãy xem họ có biết đánh giá cao người khác hay không. Nếu họ có thái độ trân trọng người khác, chắc chắn đó là một người không tầm thường.
Đánh giá cao là một thái độ học hỏi
Những người thực sự xuất sắc, khôn ngoan không bao giờ chỉ biết tự ngưỡng mộ bản thân mà còn biết trân trọng người khác. Bởi họ hiểu rằng không ai là hoàn hảo, bản thân chắc chắn cũng có những thiếu sót. Qua việc đánh giá cao người khác, họ có thể thấy được những ưu điểm ở đối phương, điều có thể ta chưa có, là những điểm đặc biệt của ai kia.
Triết gia Aristotle từng nói: "Khả năng nhận ra ưu điểm của người khác và lấy đó làm nguồn cảm hứng, động lực là biểu hiện của trí tuệ đích thực ở một người".
Con người vốn là động vật xã hội và không gian để chúng ta tự mình phát triển luôn có hạn. Khi sống cùng nhau, chúng ta nên làm quen và học hỏi những ưu điểm của nhau. Nhờ đó, chúng ta có thể bổ sung những thiếu sót của mình, hoàn thiện bản thân qua giao tiếp và trao đổi.
Thoạt nhìn, đánh giá cao chỉ là lời khen ngợi dành cho người khác, mang lại niềm vui cho đối phương. Nhưng trên thực tế, đó còn là một bài học dành cho chính chúng ta, giúp chúng ta trở nên tốt hơn, xuất sắc hơn.
Ngược lại, những người không biết đánh giá cao người khác, quá tự yêu bản thân, quá tự cao tự đại, rất khó để trở thành người thực sự xuất sắc. Bởi một khi con người mất đi thái độ học hỏi trong cuộc sống, họ sẽ mãi giậm chân tại chỗ.
Vì vậy, nếu muốn trở thành người có hoài bão, có tinh thần cầu tiến, khao khát tiến bộ, chúng ta cần có thái độ khiêm tốn, đánh giá cao người khác, nhìn thấy những ưu điểm của họ rồi tự thúc đẩy bản thân trở nên tốt hơn, xuất sắc hơn.
Như vậy, chúng ta có thể học hỏi đến suốt đời, không ngừng trưởng thành, nâng tầm cao của bản thân, trở thành một người xuất sắc.
Đánh giá cao là một sự khoan dung đáng quý
Không ai trên đời là hoàn hảo, mỗi người đều có những khuyết điểm và ưu điểm riêng. Nếu không học cách đánh giá cao, điều đó đồng nghĩa với việc bạn không thể học cách chấp nhận người khác.
Bạn sẽ không thể nhận ra những điểm sáng ở người đó mà chỉ thấy những phần tồi tệ của họ. Đương nhiên, bạn sẽ không thể khoan dung với những việc làm của họ, thậm chí còn khinh thường, gây ra mâu thuẫn, cuối cùng bạn thấy rất khó để chấp nhận người này bên cạnh mình.
Một người dù có bao nhiêu khuyết điểm, chỉ cần bạn chân thành nhìn vào những ưu điểm của họ, bạn chắc chắn sẽ khám phá ra những điểm tốt. Nếu bạn không chịu chân thành tìm hiểu những ưu điểm của một người, bạn sẽ không thể khám phá ra giá trị thực sự của họ, cũng không thể dành cho họ sự khoan dung, sự chấp nhận khi họ bộc lộ những khuyết điểm.
Khi chúng ta nhìn mọi người xung quanh bằng ánh mắt đánh giá cao, bạn sẽ thấy rằng thực ra người này, người kia không hề tệ như bạn nghĩ. Chỉ là trước đây chúng ta không biết trân trọng, không biết khám phá, đã bỏ qua những phẩm chất tốt đẹp vốn có ở họ.
Vì vậy, để trở thành một người xuất sắc, chúng ta cần rèn luyện cho mình sự khoan dung. Như vậy, tâm hồn bạn sẽ trở nên rộng mở, phẩm cách sẽ cao quý hơn, các mối quan hệ xã hội cũng trở nên hài hòa, cuộc sống ngày càng tươi đẹp.
Người khôn ngoan luôn biết đánh giá cao người khác
Khổng Tử từng nói: “Ba người đi cùng tất có người là thầy của ta”.
Những người tài giỏi luôn không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân trên con đường đời. Họ không bao giờ trở nên tự mãn, tự cao tự đại, chỉ biết ngưỡng mộ bản thân mình.
Thông qua việc khen ngợi người khác, chúng ta cũng đang điều chỉnh tâm thái của bản thân. Chúng ta không bị giới hạn trong thế giới của riêng mình, tầm nhìn của chúng ta sẽ trở nên rộng mở hơn, có thể nhận thức sâu sắc hơn về bản thân và thế giới xung quanh.
Dù xét ở góc độ nào, đánh giá cao người khác cũng là con đường tất yếu để một người trở nên xuất sắc, khôn ngoan hơn. Học cách đánh giá cao đồng nghĩa với việc nắm giữ bí quyết để không ngừng hoàn thiện bản thân. Nhờ đó, chúng ta có thể từng bước tiến về phía trước trong một thế giới đầy phức tạp.
BẢO ANH.