Lên ngôi từ năm 6 tuổi, trị vì lâu nhất sử Việt
Vua Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, là con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ là Nguyên phi Ỷ Lan, theo sử sách mô tả là vị vua có hình dáng, dung mạo rất khác người: “Trán cao, mắt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ” (theo Đại Việt sử ký toàn thư), “vua có xương trán nổi lên như mặt trời, ấy là dáng mặt của bậc thiên tử” (theo Đại Việt sử lược).
Theo sử sách ghi chép, vua Lý Thánh Tông có nhiều hoàng hậu, phi tần nhưng không có con trai. Đến khi gặp Nguyên phi Ỷ Lan, hai người đã sinh ra Càn Đức. Vua Lý Thánh Tông rất đỗi vui mừng, chỉ một ngày sau khi con trai chào đời, vua đã lập làm thái tử, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, phong mẹ thái tử là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi.

Sau khi vua Lý Thánh Tông băng hà ở điện Hội Tiên, giữa tòa Long Thành của kinh đô Thăng Long năm 1072, Càn Đức lên ngôi vua và niên hiệu là Lý Nhân Tông.
Theo lệ, dù là vua quan hay dân chúng, đến 16 tuổi mới tính chuyện lập gia thất, riêng với đế vương thì chuyện này rất hệ trọng, người phụ nữ được tuyển chọn vào cung phải đáp ứng nhiều điều kiện, người được lập làm Hoàng hậu, Quý phi lại càng phải vượt trội hơn những người khác về đức hạnh, tài năng. Tuy nhiên, Lý Nhân Tông vừa lên ngôi vua đã lấy vợ, trở thành vị vua sắc lập hoàng hậu sớm nhất trong lịch sử.
Theo Đại việt sử lược ghi chép, Lý Nhân Tông lập hai bà Hoàng hậu nhưng không rõ hai người con gái này xuất thân từ chốn dân gian hay con cháu các đại thần trong triều.
Vua Lý Nhân Tông trở thành vị vua có thời gian trị vì lâu nhất sử Việt khi ở ngôi vương từ năm 1072-1128. Ông có những dấu ấn đặc biệt từ công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, phát triển cuộc sống nhân dân cho đến những câu chuyện hậu cung đầy kỳ bí.

Thời đại của vua Lý Nhân Tông cùng với cha là Lý Thánh Tông, ông nội là Lý Thái Tông được xem là thời thịnh vượng của nhà Lý. Sử sách gọi thời kỳ này là Bách niên Thịnh thế.
Vị vua vì nước, vì dân, đặt nền móng cho khoa cử
Mặc dù còn ít tuổi, mọi việc quân quốc điều hành phải có sự giúp đỡ của mẹ là Ỷ Lan, nhưng Lý Nhân Tông sớm tỏ ra là một con người thông minh, nhanh chóng quán xuyến được công việc triều đình. Không những thế ông còn được người hiền tài phò tá - Lý Đạo Thành theo dõi việc văn, Lý Thường Kiệt theo dõi việc võ. Vì thế đất nước Đại Việt lúc này trở nên hùng mạnh.
Một trong những dấu ấn nổi bật của vua Lý Nhân Tông là chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống vào năm 1076. Với tài chỉ huy của Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt và sự quyết đoán của vua, quân dân Đại Việt đã đánh bại giặc Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Dưới thời vua Lý Nhân Tông trị vì, quân dân Đại Việt với tài cầm quân của danh tướng Lý Thường Kiệt không chỉ đánh Tống mà còn đẩy lùi được quân Chiêm Thành ra khỏi biên giới.
Sau chiến thắng, nhà vua còn khôn khéo dùng ngoại giao mềm mỏng mà đòi lại được hai châu Vật Dương và Vật Ác, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và tư duy ngoại giao nhạy bén.
Về đối nội, vua Lý Nhân Tông là vị vua tiên phong trong việc chấn hưng nền chính trị. Có thể nói, bộ máy hành chính dưới thời Lý Nhân Tông đã đạt đến sự thống nhất hữu cơ, nên mỗi một chính sách đều được thực hiện với sự liên quan chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, Lý Nhân Tông đã là vị vua đầu tiên ban hành lệ dân chủ với “Chiếu cầu lời nói thẳng” vào tháng 4/1076 nhằm huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân đóng góp vào công cuộc “trị quốc, bình thiên hạ”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà vua quan tâm đến việc đắp đê phòng lũ, nổi bật là công trình đê Cơ Xá ven sông Hồng, nhằm bảo vệ mùa màng và kinh thành Thăng Long. Bên cạnh đó, ông cũng ban hành luật lệ nghiêm minh để bảo vệ sức kéo nông nghiệp, như việc cấm giết, trộm trâu với mức phạt nặng dành cho cả người phạm tội lẫn những người dám bao che cho tội ác.
Không chỉ dừng lại ở chính sự và nông nghiệp, vua Lý Nhân Tông còn để lại dấu ấn lớn trong giáo dục và văn hóa. Ông mở khoa thi tam giáo, đồng thời thành lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta, đặt nền móng cho hệ thống giáo dục quốc gia. Tư tưởng "trọng hiền đãi sĩ" của ông góp phần nâng cao vị thế của người học, người làm quan, tạo ra lớp trí thức phục vụ đất nước.

Thời vua Lý Nhân Tông đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài của nước ta.
Trong lĩnh vực tôn giáo, Lý Nhân Tông tiếp tục lấy Phật giáo làm quốc giáo, coi đây là công cụ tinh thần thống nhất lòng dân. Dưới sự bảo trợ của ông, Phật giáo phát triển rực rỡ. Ông cho xây dựng, tu sửa nhiều chùa chiền lớn nhỏ, nổi bật là việc đại trùng tu chùa Diên Hựu (chùa Một Cột).
Với những đóng góp toàn diện về quân sự, chính trị, giáo dục, tôn giáo và văn hóa, vua Lý Nhân Tông đã đưa Đại Việt bước vào thời kỳ thịnh trị, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Vua Lý Nhân Tông không chỉ được biết đến là một minh quân có tài trị quốc an dân, mà còn là một người có năng lực sáng tác văn chương đáng kể, dù số lượng tác phẩm hiện còn khá khiêm tốn. Cho đến nay, chỉ còn lại ba bài thơ tứ tuyệt, vài bức thư ngoại giao, cùng bốn bài hịch và chiếu, tất cả đều viết bằng chữ Hán.
Đáng chú ý nhất trong số các văn bản ngoại giao là bức thư Thỉnh hoàn Vật Dương, Vật Ác nhị động biểu gửi triều đình nhà Tống trong dịp hội nghị Vĩnh Bình. Bức thư mang giọng điệu khiêm tốn nhưng sâu sắc, thể hiện sự khôn khéo và bản lĩnh ngoại giao, vạch rõ mưu đồ chiếm đất và sự gian trá của phía Tống. Bên cạnh đó, bài Lâm chung di chiếu - chiếu thư để lại trước lúc mất thể hiện rõ phong cách sống nhân từ của nhà vua. Ông không muốn gây phiền hà cho dân vì lợi ích cá nhân, mà luôn đau đáu giữ yên bờ cõi, bảo vệ sự bình yên của người dân.

Vua Lý Nhân Tông còn được biết đến là vị vua mang lại nhiều điềm lành
Vị vua mang lại nhiều điềm lành
Trong thời kỳ trị vì của Lý Nhân Tông, Đại Việt đã chứng kiến nhiều hiện tượng kỳ bí được coi là điềm lành, như được ghi chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư". Trong số 20 trang lịch sử dành riêng cho nhà vua, có đến 23 sự kiện mô tả việc dâng lên nhà vua các hiện vật thiên nhiên có hình thái đặc biệt. Trong số đó, 4 lần ghi nhận hình ảnh của rồng vàng xuất hiện, 3 lần có sự kiện mưa ngọt, và 5 lần nhắc đến các con rùa kỳ lạ với những đặc điểm như 6 con ngươi, 3 chân, hoặc nhiều màu sắc.
Các hiện tượng tự nhiên khác như một cây sung đặc biệt hoặc một cây cau với nhiều thân cũng được coi là điềm lành và được ghi chép lại. Vào thời kỳ đó, những sự kiện như vậy được xem là dấu hiệu của sự thịnh vượng và hạnh phúc.
Lý Nhân Tông không chỉ được biết đến với những điềm lành mà còn vì những chính sách sáng suốt của mình. Nhà vua đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để phát triển nền kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, và duy trì sự ổn định xã hội. Sử thần Lê Tung trong "Việt giám thông khảo tổng luận" cũng khen ngợi ông là vị vua có lòng nhân từ, đức độ, chú trọng việc chọn lọc nhân tài, thiết lập kỳ thi Tiến sĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện và sử dụng nhân tài, giảm nhẹ thuế má và giảm bớt lao động nặng nhọc. Nhờ vậy, quốc gia và nhân dân đã được hưởng thời kỳ thái bình và thịnh vượng, và ông được ca tụng là bậc vua giỏi, mang lại thời đại thái bình cho đất nước.
Tháng 10/1117, Thái hậu từ trần mà Nhân Tông vẫn chưa có người nối dõi nên ông bèn viết chiếu ban ra trong hoàng tộc, quyết định nuôi con trai của các công hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng. Ông chọn người nào giỏi thì lập làm Thái tử. Con trai của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, Lý Nhân Tông rất yêu quý và bèn lập làm Hoàng thái tử.
Tháng 1/1128, vua Lý Nhân Tông mất ở điện Vĩnh Quang, hưởng thọ 61 tuổi và theo tâm nguyện Lý Dương Hoán là người nối ngôi tức là Lý Thần Tông, trở thành vị hoàng đế thứ 5 của nhà Lý.
TẤN PHƯỚC