Hành trình kiên cường bên con tự kỷ của cặp vợ chồng ở Cà Mau: Đừng để 5 năm đầu đời của bé trôi qua vô nghĩa

Google News

Khi con cất tiếng nói đầu đời sau những tháng ngày học can thiệp vất vả, người mẹ trẻ vỡ òa trong hạnh phúc, đó là thành quả xứng đáng cho công sức của cả nhà.

Bất cứ ai khi sinh con ra cũng đều mong muốn con của mình được phát triển bình thường. Thế nhưng đôi khi, ông trời lại muốn thử thách đấng sinh thành… bởi có những đứa trẻ sinh ra đã mắc hội chứng tự kỷ, các bé luôn cần sự quan tâm đặc biệt từ cha mẹ. Câu chuyện đồng hành cùng con tự kỷ trong 5 năm đầu đời của gia đình chị Huỳnh Như (Cà Mau) với trái ngọt sau chuỗi ngày dài nỗ lực, chính là minh chứng cho sự kiên trì, lòng bao dung và tình yêu thương của người làm cha làm mẹ. 

Mẹ sẽ không để những năm tháng đầu đời của con trôi qua vô nghĩa

Cha mẹ chấp nhận sự thật dù đau lòng đến mấy

Con gái chị Như là bé Nguyễn Ngọc Như Tiền (SN 2020), sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác và lớn lên từng ngày trong vòng tay chăm bẵm, yêu thương của cha mẹ. Thế nhưng, với linh cảm của một người mẹ, chị đã thấy con khác biệt so với các bạn. Khi bé được 18 tháng tuổi, những biểu hiện bất thường càng rõ hơn. 

Chị thấy bé thường xuyên không giao tiếp, không chịu nói chuyện, không nghe lời và hay khóc mếu ăn vạ,... nhưng chỉ nghĩ trẻ con chưa được rèn giũa ngoài môi trường xã hội nên gặp vấn đề về tâm lý. Chị vẫn cho con đi học mầm non, nhưng bé không theo kịp các bạn, khó ăn khó ngủ, thường xuyên có thái độ không hợp tác và không nghe lời cô giáo. 

Bé Như Tiền đáng yêu trong vòng tay mẹ

Lúc bấy giờ, mọi người đã nghi ngờ bé mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, nên khuyên chị cho con đi thăm khám và can thiệp sớm. Lấy hết can đảm, hai vợ chồng chị đưa con tới gặp bác sĩ. Lúc cầm kết quả chẩn đoán trên tay, chị như sụp đổ vì sự thật đau lòng ấy. 

Thời điểm đó tôi mơ hồ lắm, tôi không có kiến thức gì về chứng tự kỷ, tôi không biết con mình đang bị làm sao? Bước ra khỏi phòng khám, tôi đã khóc. Hai vợ chồng phải ngồi lại một hồi lâu mới định hình được. Tôi không biết phải làm như thế nào cũng chẳng biết tìm đến ai để xin lời khuyên”, người mẹ trẻ nhớ lại khoảnh khắc đau lòng.

Thế rồi hai vợ chồng chị chọn cách chấp nhận và đối diện. Con gái của chị tại thời điểm được chẩn đoán đã 28 tháng tuổi, nhưng chỉ đạt mức nhận thức của trẻ 10 - 12 tháng mà thôi. Càng nhìn đứa con ngây ngô, trong lòng chị càng chất chứa nỗi niềm, làm sao để đồng hành và định hướng tương lai cho con một cách tốt nhất. 

Bên cạnh con luôn có cha mẹ đồng hành

Sau khi buổi khám kết thúc, chị quyết tâm đăng kí ngay lịch cho con học can thiệp 1-1 hàng ngày. Bản thân chị cũng đọc thêm sách và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong các hội nhóm để có thể đồng hành cùng con. Trong mọi hoạt động, chị luôn có sự ủng hộ và san sẻ từ phía chồng. Cả hai quyết tâm sẽ giúp con gái phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác. 

Cha mẹ sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất cho con

Gia đình chị sống tại một huyện xa trung tâm, nên có ít cơ sở nhận dạy can thiệp cho trẻ tự kỷ. Quãng đường từ nhà tới nơi học cho con cả đi cả về hơn 60km, hai vợ chồng đã chọn cách đưa đón con mỗi ngày thay vì để con học bán trú. Mỗi ngày chỉ học can thiệp 1-1 trong vòng 1 giờ, thời gian đi lại còn nhiều hơn nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm đồng hành cùng con mọi lúc mọi nơi. 

Tôi nhớ lúc hai vợ chồng chở con đi học can thiệp bằng xe máy cũ, có lúc trời nắng chói chang lúc lại mưa tầm tã, có hôm đường sửa chữa bụi mù mịt… ấy vậy mà 3 người chúng tôi vẫn nỗ lực cùng nhau. Sau chừng vài tháng cả nhà đen nhẻm luôn, ròng rã ngày qua ngày hàng năm trời như vậy”, chị tâm sự.  

Hai vợ chồng chị cũng phải cân bằng giữa công việc và thời gian cho con, cộng thêm mức chi phí khá cao so với thu nhập ở quê, nên đã có lúc họ cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng bằng tình yêu dành cho cô con gái bé bỏng, gia đình 3 người cứ thế mà cố gắng từng ngày. 

Chúng ta đã làm được!

Sau hơn một năm can thiệp, cuối cùng chị cũng nhận được tiếng gọi “mẹ” đầu tiên từ con mình. Hạnh phúc vỡ òa vì sau bao cố gắng, công sức hai vợ chồng chị bỏ ra đã thu về trái ngọt. Từ một em bé không giao tiếp, nhận thức kém, con đã dần tốt lên. Chị rất hạnh phúc khi con gái đã phát âm được, biết nghe hiệu lệnh, có sự giao tiếp với mọi người. 

Cô bé đáng yêu của ngày hôm nay

Lúc này, chị quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian đồng hành cùng con. Chị chơi theo cách của con, làm một người bạn với con đúng nghĩa và dạy con từng âm một. Nhìn con thay đổi từng ngày, anh chị rất hạnh phúc vì có thể giúp được con phát triển như bạn bè cùng trang lứa.

Hiện tại, bé đã 5 tuổi và thực hiện các kĩ năng như một em bé bình thường. Bé đi học mẫu giáo công lập, theo kịp các bạn, chỉ còn gặp chút khó khăn về giao tiếp và không còn là gánh nặng của cô giáo. Hàng ngày, chị vẫn tự can thiệp cho bé ở nhà, dạy con thêm nhiều kĩ năng.

Càng quan tâm để ý, chị lại phát hiện ra đứa con bé bỏng của chị rất thông minh và ghi nhớ tốt, đặc biệt là năng khiếu về môn toán và tiếng Anh. Với sự tiến bộ thấy rõ ấy, cũng như sự động viên từ cha mẹ người thân, chị tin con gái sẽ phát triển tốt. 

Mẹ sẽ không bao giờ để con một mình

Vậy là trong suốt 5 năm đầu đời của một đứa trẻ mắc tự kỷ, bé luôn có cha mẹ bên cạnh, những người sẵn sàng làm tất cả cho con. Con được can thiệp sớm rất quan trọng, trong thời điểm vàng khả năng hồi phục rất cao. Chính sự thay đổi và đồng hành của cha mẹ, người thân là sự quyết định quan trọng đến hành trình thay đổi của con giúp con hòa nhập với xã hội.

Thành quả có được ngày hôm nay của gia đình chị Như là sự cố gắng đến từ các thành viên, cùng nhau vượt qua thử thách. Người mẹ trẻ hi vọng, qua câu chuyện của gia đình mình, các bậc phụ huynh sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân trong việc nuôi dạy một em bé tự kỷ. 

THẢO ANH