Được khuyên đưa con đi khám, mẹ giận giữ nói “con tôi là thiên tài, sao lại bị tự kỷ” và cái kết muộn màng sau đó

Google News

Rất nhiều trẻ dù tuổi nhỏ đã bộc lộ những kỹ năng “siêu phàm” từ sớm, khi đó không ít người gọi như vậy là thiên tài. Dưới góc độ khoa học, các chuyên gia cho rằng, đó có thể chính là dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đi khám sớm.

Mẹ nghĩ con là thiên tài, khi nhận ra thì đã lỡ “giai đoạn vàng”

Dù mới 3 tuổi, chưa từng học qua trường lớp hay được hướng dẫn gì, nhưng bé Gấu (ở Hà Nội) lại thể hiện mình là một tài năng về hội họa. Chị Thảo Hương (mẹ bé Gấu) cho biết, thấy con thích vẽ nên chị mua đủ các loại dụng cụ để con thể hiện năng khiếu của mình. Có bức vẽ nhìn y như thật, ai cũng trầm trồ, thậm chí có người trả giá rất cao để mua. Nhưng chị hiểu, con không vẽ theo cảm xúc hay sáng tạo gì đâu, mà chỉ như “chụp lại” rồi sao chép lại y chang những gì từng nhìn thấy.

Con chỉ mê một vài thứ cố định như vậy thôi, ngoài ra thì hầu như ít quan tâm đến mọi thứ. Đồ chơi, sách truyện, hay hoạt động với bạn bè đều ít hứng thú và nhanh chán. Cái bàn vẽ mà mình đổi chỗ đi là con khó chịu, không chịu vẽ nữa. Mua bộ bút màu mới cũng không chịu dùng vì không giống bộ cũ. Con hay vẽ lại những thứ quen thuộc - có thể là cái xe, ngôi nhà, hay hình ảnh từ chương trình hội họa con từng xem. Nói sao cũng không đổi, cứ như bị “mắc” vào mấy hình đó vậy. Ai hỏi gì thì con trả lời ngắn gọn lắm, nhiều khi mình không biết con có vui hay không vì mặt cứ đều đều, không biểu lộ gì cả”, chị Hương chia sẻ.

Khi thấy trẻ có sở thích nổi trội về một vấn đề gì đó, nhưng lại nhận thức kém về vấn đề khác thì đừng vội mừng. Ảnh minh họa. 

Ban đầu, chị Hương và gia đình cảm thấy tự hào vì nhìn vào những bức vẽ của con, ai cũng rất ngạc nhiên và khen con chị là thiên tài. Tuy nhiên, có một số người bạn khi tiếp xúc cho rằng, con chị có những bất thường về mặt giao tiếp và cảm xúc, khuyên nên đi khám và đánh giá vì có thể có dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ. Khi đó chị Hương cũng có những phản ứng tiêu cực: “Con em tự kỷ ấy. Con tôi là thiên tài, sao lại tự kỷ được”.

Và rồi sau một thời gian theo dõi, chị Hương nhận thấy những bất thường ở con ngày càng rõ rệt, nên đã đưa con đến gặp chuyên gia. Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Hoàng Quốc Lân, Trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần (BV Đa khoa Phương Đông) tiếp nhận trường hợp này, qua đánh giá và tương tác với cháu cho thấy, bé Gấu có rối loạn phổ tự kỷ rất điển hình. Thạc sĩ khuyến nghị cần duy trì can thiệp tích cực, phát triển các kỹ năng xã hội, các lĩnh vực phát triển khác để cháu có thể hoà nhập và thích nghi tốt hơn tốt hơn.

Khi can thiệp, liệu con tôi có mất đi tài năng hội họa không”, chị Hương bày tỏ lo lắng. Thạc sĩ Quốc Lân giải thích rằng việc can thiệp nhằm giúp trẻ cải thiện nhận thức, kỹ năng giao tiếp xã hội, hòa nhập và học tập cùng bạn bè đồng trang lứa. Tài năng hội họa của trẻ sẽ không mất đi; ngược lại, trong quá trình can thiệp, giáo dục, trẻ sẽ tiếp tục phát huy sở trường, đồng thời phát triển đồng đều các kỹ năng khác.

Can thiệp tự kỷ không có nghĩa là thui chột tài năng

Chuyên gia Hoàng Quốc Lân cho biết, những trường hợp như vậy không hiếm gặp. Nhiều trẻ dù mới 2-3 tuổi đã biết đọc, nói tiếng Anh, tính toán dù chưa được học chính thức; có trẻ có khả năng ghi nhớ con số và chữ cái rất tốt, chỉ cần một ít thông tin là có thể suy ra nhiều điều khác, ví dụ: Xác định được thứ mấy (âm, dương lịch) khi được cung cấp ngày, tháng, năm hoặc các thông số kỹ thuật trên máy móc cũng được trẻ nhớ rất chi tiết. Tuy nhiên, những trẻ này thường gặp khó khăn trong giao tiếp và ứng xử xã hội, cần được hỗ trợ nhiều. Khi gặp những trường hợp như vậy, cha mẹ không nên vội mừng mà hãy quan sát con kỹ lưỡng và đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Với trẻ tự kỷ việc phát hiện càng sớm, can thiệp càng sớm sẽ đạt hiệu quả càng cao. Ảnh: Lê Phương. 

Không ít bố mẹ khi nhận ra con có kỹ năng siêu việt từ khi còn rất nhỏ, nhưng họ rất sợ điều này vì biết đó là bất thường và cho đi khám sớm. Điều này rất tốt, bởi nếu con có rối loạn phổ tự kỷ sẽ giúp con được can thiệp sớm nhất và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ luôn cho rằng con là thiên tài, không chấp nhận việc con bị tự kỷ, nên đã bỏ lỡ thời gian vàng điều trị”, thạc sĩ Quốc Lân chia sẻ.

Thực tế cho thấy, trẻ tự kỷ thường có tính rập khuôn, máy móc và phát triển thiên lệch về một năng khiếu gì đó, nên mọi người lầm tưởng đó là tài năng. Tuy nhiên, về bản chất đó chỉ là sự sao chép, ghi nhớ lại để làm theo và làm rất tốt vấn đề đó mà rất ít sự sáng tạo. Thạc sĩ Quốc Lân cho rằng, trường hợp đó không thể gọi là thiên tài, vì ngoài lĩnh vực đó trẻ thường ít hứng thú và quan tâm đến vấn đề khác, giao tiếp và ứng xử xã hội và quản lý cảm xúc gặp nhiều khó khăn….

Rất khó để đánh giá đâu là một đứa trẻ thiên tài từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, một đứa trẻ thông minh trước hết phải phát triển toàn diện mọi kỹ năng, có sự hiểu biết nhiều lĩnh lực, phải có sự tương tác đa dạng, chứ không phải chỉ giỏi một lĩnh vực mà các kỹ năng khác hạn chế”, chuyên gia tâm lý nói.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Lân cho biết, với trẻ tự kỷ có năng khiếu đặc biệt khi can thiệp sẽ không làm thui chột tài năng của trẻ. Ảnh: Lê Phương. 

Thạc sĩ Lân khuyến cáo, với trẻ có biểu hiện tài năng nhưng thiên lệch về một vấn đề, kèm theo đó là các biểu hiện chậm nói, chậm vận động, có vấn đề về giao tiếp, phản ứng cảm xúc… cần nhận diện và đưa đi khám vì có thể có những rối loạn phát triển.

Riêng với trẻ tự kỷ có những kỹ năng thiên bẩm, vị chuyên gia này cho rằng, cha mẹ, nhà giáo dục hay chuyên gia tâm lý trị liệu sẽ không dập tắt tài năng đó, mà vẫn phát triển kỹ năng của trẻ. Song song với đó, rất cần thiết phải giáo dục các kỹ năng khác để trẻ phát triển toàn diện hơn, mục đích cao nhất là trẻ hòa nhập và thích ứng được với xã hội, tự phục vụ và phát triển bản thân.

Bên cạnh đó, thạc sĩ cho rằng việc phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển, đặc biệt là trẻ tự kỷ, tại Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, bao gồm thiếu chính sách hỗ trợ và chương trình giáo dục phù hợp. Thạc sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục và hòa nhập xã hội cho trẻ.

Việc can thiệp sớm không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội mà còn tạo điều kiện để trẻ phát huy tối đa tiềm năng và tài năng của mình. Do đó, phụ huynh nên chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và cơ sở chuyên môn để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho con mình.

LÊ PHƯƠNG.