Khi vừa nhìn thấy hai vạch đỏ trên que thử thai, cô gái trẻ sống tại Quảng Đông (Trung Quốc) không giấu được niềm vui vỡ òa. Trong cơn xúc động, cô run tay chụp lại hình ảnh và ngay lập tức đăng lên mạng xã hội kèm dòng trạng thái: “Bé yêu cuối cùng cũng đến rồi” cùng biểu tượng trái tim hạnh phúc. Chỉ trong vòng 10 phút, bài đăng của cô đã nhận về hàng loạt bình luận chúc mừng từ người thân, bạn bè, thậm chí cả những người bạn học cũ đã lâu không liên lạc cũng bất ngờ xuất hiện để hỏi thăm ngày dự sinh.

Người mẹ trẻ không giấu được niềm vui mang thai.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy không kéo dài được bao lâu. Tối hôm đó, mẹ cô gọi điện với giọng lo lắng: “Mới mang thai có 5 tuần mà con đã vội công khai, lỡ có chuyện gì thì sao?”. Ngày hôm sau, mẹ chồng cũng gửi tin nhắn thoại dài một phút với lời lẽ nặng nề: “Giới trẻ bây giờ thật thiếu suy nghĩ! Ngày xưa mẹ mang thai ba nó, phải đến 3 tháng mới dám nói cho ai biết!”.
Cơn ác mộng chưa dừng lại ở đó. Một số đồng nghiệp bắt đầu trêu đùa rằng cô sẽ không cần phải tăng ca nữa, trong khi cấp trên thì bóng gió hỏi liệu có nên điều chuyển vị trí công việc của cô hay không. Chỉ sau một bài đăng tưởng chừng vô hại, người phụ nữ trẻ rơi vào trạng thái bất an, nghi ngờ và áp lực từ nhiều phía.

Chỉ sau một bài đăng tưởng chừng vô hại, mẹ bầu rơi vào trạng thái bất an.
Câu chuyện của cô là bài học xương máu khiến nhiều mẹ bầu phải suy nghĩ lại trước khi công khai tin vui quá sớm. Những người từng trải đã đúc kết ra 3 sự thật không phải ai cũng lường trước được.
Sự thật 1: Công khai quá sớm dễ xâm phạm quyền riêng tư, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn gia đình
Nhiều người cho rằng mang thai là chuyện vui, nên việc chia sẻ là điều hiển nhiên. Thế nhưng, niềm vui ấy đôi khi lại vô tình kéo theo những rắc rối không mong muốn.
Trong thế giới mạng xã hội đầy hỗn tạp, không thiếu những người tọc mạch hỏi han những điều riêng tư như: “Con trai hay con gái?”, “Đã đi siêu âm chưa?”, “Bụng có to chưa?”. Thậm chí, có người còn lấy ảnh bụng bầu ra để đùa cợt. Một người bạn của cô từng đăng ảnh bụng bầu lên mạng, sau đó bị một người quen không thân thiết buông lời bình luận: “Bụng nhọn thế kia chắc chắn là con trai rồi.” Quá giận dữ, cô đã thẳng tay chặn luôn người đó.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn thế hệ cũng là vấn đề không thể xem nhẹ. Người lớn tuổi thường có quan niệm phải đợi qua 3 tháng đầu tiên mới được phép thông báo, bởi giai đoạn này được cho là chưa ổn định. Việc chia sẻ quá sớm không chỉ khiến gia đình lo lắng mà còn làm căng thẳng mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Lời khuyên: Hãy chờ đến khi thai kỳ qua 12 tuần và kết quả kiểm tra NIPT cho thấy thai nhi phát triển ổn định rồi hãy công khai. Nếu vẫn muốn chia sẻ, có thể chọn cách ẩn ý như: “Dạo này đang tập trung dưỡng sức” và chỉ để bạn thân hoặc người thân cận thấy.
Sự thật 2: Hình tượng “mẹ bầu” có thể vô tình trói buộc cuộc sống của bạn
Ngay khi đăng ảnh ăn kem, cô nhận được hàng loạt tin nhắn nhắc nhở: “Phụ nữ mang thai không nên ăn đồ lạnh!” Khi tham gia tiệc lẩu cùng đồng nghiệp, sếp lên tiếng: “Mùi lẩu nặng thế không tốt cho em bé, đừng đi nữa” Những lời “quan tâm” như thế dần trở thành gánh nặng khiến cô thấy mình không còn quyền làm điều mình thích – ngay cả một ly trà sữa cũng khiến cô phải đắn đo như đang phạm lỗi.
Tại nơi làm việc, mọi chuyện càng rõ rệt hơn:
- Cấp trên chủ động chuyển dự án đang phụ trách cho người khác;
- Mọi cơ hội tăng lương, thăng chức đều bị “đóng băng” đến sau khi sinh;
- Đồng nghiệp thì râm ran bàn tán: “Kiểu gì sinh xong cô ấy cũng nghỉ làm để chăm con thôi.”
Lời khuyên: Hãy giữ lối sống kín đáo, đừng chia sẻ quá nhiều về cuộc sống riêng tư trong giai đoạn nhạy cảm này. Gặp những lời khuyên kiểu “vì tốt cho bạn”, bạn có thể nhẹ nhàng đáp lại: “Bác sĩ dặn phải luôn giữ tâm trạng thoải mái, nên em đang cố gắng lắm ạ”.
Sự thật 3: Bất ngờ xảy ra có thể đẩy bạn vào tâm bão dư luận
Một người bạn tên Tiểu Lâm cũng từng đăng bài khoe mang thai ở tuần thứ 8. Nhưng đến tuần thứ 9, cô bất ngờ bị lưu thai. Dù đã xóa bài đăng nhưng vẫn liên tục nhận được tin nhắn hỏi han: “Sao chưa thấy đăng ảnh em bé?”, “Sinh rồi à?” – thậm chí có người đồn đoán rằng cô bị sảy thai vì ăn uống không đúng cách.
Thực tế, có đến 15% trường hợp mang thai bị chấm dứt tự nhiên trong giai đoạn đầu. Nếu thông báo quá sớm, khi có chuyện xảy ra, người mẹ không chỉ đau đớn về thể xác mà còn bị soi mói, phải chịu đựng áp lực tâm lý từ dư luận.
Lời khuyên: Giai đoạn đầu thai kỳ nên tập trung dưỡng thai và giữ tinh thần lạc quan. Nếu có sự cố không mong muốn, bạn chỉ cần nói ngắn gọn rằng cơ thể cần thời gian điều dưỡng – đừng để mình bị tổn thương lần nữa bởi lời ra tiếng vào.
- Lưu giữ hành trình bằng cách riêng: Có thể viết nhật ký, lập album cá nhân riêng tư để lưu lại những kỷ niệm đẹp mà không bị soi mói.
- Biết cách chặn nguồn tiêu cực: Những ai thích bình luận tiêu cực, bạn có thể chọn không cho xem bài viết – vì cảm xúc của bạn quan trọng hơn ánh mắt người đời rất nhiều.
- Và lời nhắn gửi cuối cùng dành cho các chị em: Làm mẹ không phải là lúc để làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy học cách sống vì mình một chút. Khi em bé chào đời khỏe mạnh, đó mới là lúc bạn có thể tự hào khoe với cả thế giới bằng nụ cười hạnh phúc trọn vẹn nhất!
Xem thêm video sau đây:
Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống
THY DUNG