Ở miền Tây Thanh Hoá có một thứ đặc sản mà chắc chắn ai nghe thấy cũng sởn da gà, đó là con nòng nọc.
Nòng nọc còn có tên gọi khác là bu bu, bâu bâu theo tiếng địa phương. Những con nòng nọc này được sinh ra từ loài ếch đá sống trong các khe suối vùng rừng núi, đặc biệt là suối Vó Ấm thuộc huyện Thạch Thành.

Nòng nọc là đặc sản ở Thanh Hoá
Chúng thường xuất hiện nhiều từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, khi nước suối mát và yên tĩnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bắt nòng nọc. Dụng cụ để săn loài này vô cùng đơn giản, chỉ có rổ tre hoặc rổ nhựa để xúc và dụng cụ giỏ, xô nhựa... để đựng.
Chị Chính (ở thôn Yên Sơn, Thành Yên, Thanh Hóa) chia sẻ: "Từ xưa, những con nòng nọc béo mẫm, to bằng ngón tay chỉ để đãi khách quý, hoặc trong nhà có việc gì đó trọng đại. Tại dòng suối Ấm Vó, nước chảy hiền hòa, nước trong vắt, con nào con nấy to bằng ngón tay người lớn. Nòng nọc ở suối Vó Ấm là con của loài ếch núi, là loài ếch mình bằng cả cái bát con.

Nhiều người sởn da gà khi nhìn thấy nhưng đây là món ăn đặc sản của người dân miền Tây Thanh Hoá từ xa xưa
Nòng nọc được chế biến thành cả chục món khác nhau, nào chả, nào rán, nào xào, nào nấu, nào nướng, nào kho… nhưng được yêu thích nhất phải kể đến nòng nọc om măng. Nhiều người đánh giá, ăn nòng nọc còn mát và ngon hơn canh cá khoai nhiều lần".
Người chế biến sẽ rửa sơ qua nòng nọc, sau đó dùng mũi dao nhọn khéo léo rạch nhẹ phần bụng để lấy hết phần ruột bên trong, tiếp tục rửa sạch rồi để ráo nước. Trong khi đó, măng được xào chín tới cùng mẻ để dậy mùi. Khi măng đã chín, cho nước sôi vào nồi, sau đó cho nòng nọc vào, đun đến khi sôi lại. Cuối cùng, rắc thêm hành lá, rau răm và mùi tàu lên trên rồi bắc xuống. Món ăn được thưởng thức khi còn nóng, có thể ăn kèm cơm hoặc dùng làm mồi nhắm rượu đều rất hấp dẫn.
Với những vị khách phương xa, lần đầu được mời thưởng thức món nòng nọc thường không khỏi có chút e dè. Thế nhưng, chỉ cần dám thử một lần – gắp một con nòng nọc còn nghi ngút khói đưa lên miệng – bạn sẽ cảm nhận ngay hương thơm đặc trưng lan tỏa, thịt nòng nọc mềm ngọt, quyện cùng chút đắng nhẹ của măng rừng và vị béo đậm đà của nước dùng, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực khó quên.


Nếu biết cách chế biến, nòng nọc còn được đánh giá ngon và mát hơn cá khoai
Ở các chợ quê tại Thanh Hóa, nòng nọc được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Trong nhiều quán ăn, nòng nọc được đưa vào thực đơn để đãi khách mỗi khi đến mùa.
Bạn Toàn (ở Đà Nẵng) chia sẻ: "Trước đây có dịp ra Thanh Hoá, mình được bạn đồng nghiệp đãi nòng nọc. Nghe thấy tên thôi mình đã sởn da gà, nhưng khi biết đây là đặc sản đặc sản của địa phương, mình tặc lưỡi ăn thử. Không ngờ nòng nọc om măng lại rất ngon, vị ngọt mát và mùi thơm đặc trưng, béo ngậy, đến bây giờ mình vẫn nhớ mãi hương vị của chúng".
H.A