Cứu sống bé gái ở Hà Nội mắc căn bệnh không thuốc chữa nhưng rất hay gặp ở trẻ nhỏ

Google News

Dù mắc căn bệnh dễ gây biến chứng ở mức độ rất nặng, nhưng nhờ sự nỗ lực và can thiệp kịp thời, bé gái ở Hà Nội đã được cứu sống thành công.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Khoa Hồi sức tích cực Nhi (BV Đa khoa Đức Giang) cho biết, vừa điều trị thành công một ca bệnh tay chân miệng mức độ 4 nguy kịch, nhờ áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục. Bệnh nhi là cháu L.T.H.N (14 tháng tuổi, ở Gia Lâm – Hà Nội) ban đầu chỉ xuất hiện nốt mẩn ở bẹn và đùi, không rõ biểu hiện điển hình của tay chân miệng. Sau đó bé đột ngột sốt cao, co giật toàn thân và nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám phát hiện trẻ xuất hiện nhiều vết loét trong vòm họng, nốt phỏng nước rải rác vùng mông, kèm theo tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, rất nguy kịch. Ngay lập tức kíp trực đã tiến hành cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch,.... Sau 4 giờ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ còn sốt cao liên tục, đáp ứng kém với các liệu pháp hạ sốt, huyết động không ổn định, phải sử dụng thuốc vận mạch liều tăng dần.

Sau khi đã hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất quyết định chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu cho bệnh nhi. Trong quá trình lọc máu liên tục 40 giờ, diễn biến lâm sàng tiến triển cải thiện tốt và sau năm ngày điều trị, chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã dừng thuốc vận mạch, thuốc an thần, cai máy thở và rút được ống nội khí quản, trẻ tỉnh, tự thở tốt, huyết động ổn định, ăn uống khá hơn.

Bé gái mắc tay chân miệng thể nặng được cứu sống nhờ lọc máu. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hóa. Bệnh xảy ra quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.

Được biết, trường hợp bệnh nhi L.T.H.N thuộc thể tối cấp, được chẩn đoán tay chân miệng độ 4 do EV71, diễn biến rất nhanh trong vòng chưa đầy 24 giờ, có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương kèm suy hô hấp, suy tuần hoàn. “Rất may sau khi lọc máu liên tục tình trạng bệnh được cải thiện, dần hồi phục hoàn toàn”, bác sĩ Lan Anh cho hay.

Bác sĩ Lan Anh cho biết, khi trẻ mắc tay chân miệng nếu ở thể nhẹ có thể không nguy hiểm, nhưng cũng không chủ quan, cần đi khám ngay khi trẻ có biểu hiện: Sốt cao khó hạ, ăn kém, giật mình, run chân tay, quấy khóc vô cớ, kích thích, nôn nhiều…để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trong những trường hợp tay chân miệng độ 4 – thể bệnh nặng với các biến chứng thần kinh, suy hô hấp, rối loạn huyết động – lọc máu liên tục đóng vai trò là kỹ thuật hỗ trợ quan trọng, giúp loại bỏ các chất trung gian gây viêm (cytokine), ổn định nội môi và cải thiện nhanh tình trạng lâm sàng của bệnh nhi. Áp dụng đúng thời điểm, lọc máu có thể tạo ra bước ngoặt trong quá trình điều trị, đặc biệt ở những ca diễn biến nguy kịch, không đáp ứng với các liệu pháp nội khoa thông thường”, bác sĩ Lan Anh cho biết thêm.

Tay chân miệng là bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin nên chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh cá nhân là rất quan trọng. Ảnh minh họa. 

Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị hỗ trợ. Do vậy, để phòng bệnh phụ huynh cần:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

LÊ PHƯƠNG.