Câu chuyện “hòa nhập xanh” của các bạn trẻ khuyết tật ở Đà Nẵng: 5 năm dọn rác, quyết làm sạch thành phố 

Google News

Cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, người dân TP. Đà Nẵng lại thấy nhóm tình nguyện trẻ đi thu gom rác dọc các bãi biển. Điều đặc biệt, dù vận động khó khăn nhưng họ vẫn thực hiện việc thu gom rác trong niềm vui phấn khởi. 

Được thành lập vào tháng 5/2019 tại Đà Nẵng, nhóm Hòa nhập xanh khi ấy chỉ có 5 thành viên là người khuyết tật. Dù mỗi người một việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng cứ đến chủ nhật, mọi người lại cùng nhau có mặt tại những điểm nóng về rác thải trên địa bàn thành phố để dọn rác, giúp môi trường xanh sạch đẹp. Từ bãi biển Mân Thái, biển Nguyễn Tất Thành đến cảng cá Thọ Quang,… cứ ở đâu có rác là nhóm lại đi nhặt hết.

Những thanh niên "tàn nhưng không phế”

Thủ lĩnh của Hòa nhập xanh là anh Mai Huỳnh Quốc Thống (SN 1988), một người khuyết tật đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa tại địa phương. Chia sẻ về ý tưởng thành lập và cái tên ý nghĩa của nhóm, anh Thống cho biết: “Mình luôn mong muốn người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, thậm chí có thể đóng góp gì đó cho cộng đồng. Trăn trở mãi, mình thấy rằng những người như mình có thể đóng góp cho xã hội thông qua việc bảo vệ môi trường nên đã quyết định thành lập nhóm”.

Anh Mai Huỳnh Quốc Thống, trưởng nhóm Hòa nhập xanh

“Tàn nhưng không phế” chính là phương châm ngắn gọn nhưng hết sức ý nghĩa đã gắn kết những người khuyết tật trên địa bàn TP. Đà Nẵng với mục tiêu hướng tới một cuộc sống xanh. Bằng hoạt động nhặt rác để làm sạch môi trường, nhóm chính là nơi để những người khuyết tật có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng, góp sức của mình vào công cuộc bảo vệ môi trường sống trong lành, sạch đẹp.  

Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã tổ chức và tham gia hàng trăm buổi dọn rác tại các bãi biển và khu vực công cộng ở Đà Nẵng. Từ bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mân Thái đến cảng cá Thọ Quang, bán đảo Sơn Trà,... đều đã in hằn dấu chân của các bạn. Hàng tấn rác đã được họ nhặt, đưa về đúng nơi tập kết để mang đi xử lý. Riêng những loại rác có thể tái chế như giấy, vỏ lon, chai nhựa,… sẽ được thu gom bán, gây quỹ cho các hoạt động thiện nguyện khác. 

Không những vậy, câu lạc bộ Hoà nhập xanh vì môi trường còn liên kết với nhiều câu lạc bộ khác của các trường đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các bạn sinh viên. Sau quá trình hoạt động, nhóm đã có thêm nhiều bạn tình nguyện viên là những bạn trẻ có tình yêu với môi trường. 

Hoạt động ý nghĩa của nhóm thu hút nhiều tình nguyện viên tham gia

Suốt hành trình 5 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển hay những nguy hiểm tại khu vực chứa rác thải, nhưng mọi người đều hỗ trợ, nhắc nhở nhau để bảo vệ bản thân, đạt hiệu quả tốt nhất khi làm việc. Sau mỗi buổi nhặt rác, nhóm thường tập trung tại công viên để chơi trò chơi và ca hát. Họ thật sự gắn kết, trở thành những người bạn, người anh em cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường.

Lan tỏa thông điệp xanh, bảo vệ môi trường

Hoạt động của nhóm đã mang lại hiệu quả khá rõ, những điểm nóng về rác thải đã vơi dần, không còn bãi tập kết rác thải, góp phần làm trong sạch môi trường ven biển. Đây là cách làm nhỏ nhưng đã lan tỏa thông điệp về câu chuyện của người khuyết tật làm sạch môi trường.

Họ đã lan tỏa những điều tích cực tới cộng đồng bằng việc làm ý nghĩa

Khi nhóm mình làm việc này là mong muốn mọi người có ý thức làm sạch môi trường hơn. Chúng mình đều là những người khuyết tật chung tay bảo vệ môi trường, chúng mình có khiếm khuyết nhưng vẫn có thể làm được thì những người bình thường tại sao lại không? Hãy yêu môi trường sống của chúng ta và cùng nhau làm sạch chúng, hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.

Chúng mình muốn lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng thông qua việc những người khuyết tật tham gia bảo vệ môi trường. Mọi người cùng chung tay thực hiện một hành động nhỏ về môi trường sẽ tạo nên sự thay đổi lớn, làm cho thành phố trở nên sạch đẹp hơn”, anh Thống bộc bạch. 

Quả thực, đối với những bạn trẻ của Hòa nhập xanh, niềm vui lớn nhất là có thể bảo vệ môi trường bằng chính sức lực của mình. Và quan trọng là từ những việc làm của mình, họ đã thay đổi được suy nghĩ của nhiều người về việc sống xanh, sống tử tế với môi trường.

Họ đều là những người có tình yêu với môi trường

Đúng như tên gọi ý nghĩa của nhóm - Hòa nhập xanh, với những hoạt động ý nghĩa và đầy tính nhân văn, nhóm đã nhận được sự yêu mến, ủng hộ nhiệt tình từ những người dân thành phố. Đó chính là động lực giúp các bạn trẻ “tàn nhưng không phế” tiếp tục hành trình dọn rác làm sạch môi trường, lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng. 

THẢO ANH