1. Cá hồi
Ông Sugiyama Takuya cho biết, trong y học cổ truyền, cá hồi được xếp vào nhóm thực phẩm có tính ôn với hàng loạt công dụng nổi bật như: Dưỡng khí, bổ huyết, kiện tỳ, hoạt huyết hóa ứ, chống oxy hóa và hỗ trợ tiêu hóa. Đặc biệt phù hợp với những người hay mệt mỏi, cơ thể suy nhược, ăn uống kém, hệ tiêu hóa yếu hoặc gặp các vấn đề về tuần hoàn máu.
Điểm sáng của cá hồi chính là hàm lượng astaxanthin cao. Astaxanthin là chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp chống lão hóa và phục hồi năng lượng tế bào. Bên cạnh đó, cá hồi còn giàu vitamin B1, B2 - hai vi chất hỗ trợ chuyển hóa dinh dưỡng và giải tỏa căng thẳng. Lượng vitamin D dồi dào trong cá hồi cũng là trợ thủ đắc lực trong việc phòng ngừa loãng xương, đặc biệt với người lớn tuổi hoặc người thường xuyên thiếu vận động.

Cá hồi có thể cải thiện tình trạng lão hóa, rối loạn chức năng tiêu hóa. (Ảnh minh họa).
Để tăng hiệu quả bổ khí, hoạt huyết, cá hồi nên được chế biến cùng các loại rau gia vị có tính ấm như hành lá hoặc hẹ. Kết hợp cùng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa sẽ giúp tăng khả năng hấp thu canxi, từ đó nâng cao hiệu quả phòng ngừa loãng xương. Tuy nhiên, do cá hồi có thể chứa ký sinh trùng, nên trong bữa ăn gia đình, vẫn nên nấu chín kỹ thay vì ăn sống để đảm bảo an toàn.
2. Cá tuyết
Cá tuyết được xem là loại cá có tính bình, mang đến nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ gan, thận, tuần hoàn máu và giải độc. Đặc biệt phù hợp với những người thường xuyên mệt mỏi, cảm thấy cơ thể nặng nề, chán ăn, hay lo âu, hoặc có vấn đề về tuần hoàn máu và thiếu máu.
Điểm nổi bật của cá tuyết là lượng taurine phong phú - một amino acid có khả năng cải thiện chức năng gan, thúc đẩy giải độc và giảm mệt mỏi sau khi uống rượu. Cá tuyết cũng là nguồn cung cấp protein chất lượng cao nhưng lại ít calo, phù hợp cho người đang ăn kiêng hoặc kiểm soát cân nặng.
Ngoài ra, cá tuyết chứa vitamin B1, B2 giúp tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện tình trạng thiếu máu. Nhờ giàu canxi và vitamin D, cá tuyết còn hỗ trợ duy trì hệ xương chắc khỏe, làm dịu hệ thần kinh và giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng.

Cá tuyết giúp bổ tỳ, gan, thận, cải thiện mệt mỏi và thiếu máu. (Ảnh minh họa).
Về cách chế biến, cá tuyết nên được nấu cùng các nguyên liệu giàu vitamin C như rau cải, cà chua hoặc nấm để tăng cường hiệu quả làm đẹp da và hồi phục sức khỏe. Có thể kết hợp cùng sữa để tăng hấp thu canxi.
Tuy nhiên, vì cá tuyết dễ bị hư và có thể chứa ký sinh trùng, nên cần được nấu chín kỹ. Ngoài thịt cá, phần tinh hoàn (thường gọi là "shirako") và trứng muối ("mentaiko") của cá tuyết cũng rất bổ dưỡng, dù mentaiko chứa nhiều muối nên cần dùng điều độ.
3. Cá hồng
Cá hồng là loại cá phổ biến trong các món ăn Nhật Bản, không chỉ ngon mà còn cực kỳ bổ dưỡng. Theo y học cổ truyền, cá hồng có tính bình, công dụng chính là bổ tỳ, dưỡng thận, tăng cường khí huyết và dưỡng âm. Cá rất phù hợp với người có thể trạng yếu, tỳ vị hư, cơ thể lạnh, ăn uống không ngon, hay mệt mỏi, da dẻ khô sạm.
Cá hồng chứa nhiều protein dễ tiêu hóa, ít béo, rất thích hợp cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ và người đang phục hồi sức khỏe. Đặc biệt, cá có hàm lượng cao taurine và niacin (vitamin B3) - hai hoạt chất giúp tăng chức năng gan, cải thiện lưu thông máu và loại bỏ cảm giác mỏi mệt, giúp tinh thần thoải mái, giảm đau đầu và cải thiện lạnh tay chân.

Cá hồng tăng cường gan thận, cải thiện tuần hoàn và làm đẹp da. (Ảnh minh họa).
Không chỉ vậy, nhờ khả năng bồi bổ khí, huyết và thủy, cá hồng còn mang đến làn da mềm mại, ẩm mượt, chống lão hóa và giữ cho cơ thể luôn trong trạng thái tràn đầy sinh lực. Những người có hệ tiêu hóa yếu, hay chán ăn cũng nên ăn cá hồng để cải thiện tình trạng.
Về cách chế biến, cá hồng nên được kết hợp với rong biển, kombu hoặc khoai tây để gia tăng hiệu quả bồi bổ tiêu hóa và giảm mệt mỏi. Món cháo trà cá hồng (tai chazuke) là một lựa chọn lý tưởng để kích thích tiêu hóa, giảm cảm giác đầy bụng, mệt mỏi sau khi ăn. Tuy nhiên, do cá sống có nguy cơ ký sinh trùng, nên trong bữa ăn gia đình, vẫn nên nấu chín kỹ, đặc biệt với người có hệ tiêu hóa yếu.
AN THANH