Bố mẹ thường xuyên phải ra ngoài làm việc, tiếp xúc với nhiều người, di chuyển trong các môi trường công cộng, dễ dàng tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cúm. Chính vì vậy, khả năng họ bị mắc cúm và mang virus về nhà là điều không thể tránh khỏi. Để bảo vệ con trẻ, giảm thiểu tối đa sự lây lan của virus, các bậc phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa hợp lý và chặt chẽ.
1. Cách ly với trẻ
Khi một trong bố, mẹ mắc cúm, việc cách ly người bệnh với trẻ là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị lây nhiễm. Cúm là một bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, do đó, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và trẻ là vô cùng cần thiết.

Chủ động cách ly với trẻ nếu bố mẹ bị mắc cúm. (Ảnh minh họa).
Nếu có thể, nên cho người bệnh ở trong phòng riêng, không sử dụng chung các vật dụng như: khăn mặt, chén bát hay đồ dùng cá nhân với trẻ. Nếu không có khả năng cách ly hoàn toàn, cần cố gắng giữ khoảng cách an toàn, tránh để trẻ tiếp xúc gần với người bệnh trong suốt thời gian này. Nếu trong gia đình có nhiều người, hãy phân công công việc chăm sóc để tránh sự tiếp xúc giữa trẻ và người bệnh. Các bậc phụ huynh cần nhớ rằng, càng ít tiếp xúc với người mắc cúm, trẻ càng ít có nguy cơ bị lây bệnh.
Bên cạnh việc cách ly về mặt không gian, việc hạn chế tiếp xúc cũng cần được áp dụng trong các tình huống khác, chẳng hạn như ôm ấp hoặc hôn trẻ. Người mắc cúm cần tránh những hành động này, ngay cả khi các biểu hiện không quá nặng.
2. Đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà
Khi trong nhà có người lớn mắc bệnh, có thể xem việc đeo khẩu trang là một biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm. Virus cúm có thể được phát tán qua những giọt nước bọt khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí khi nói chuyện. Vì vậy, việc đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp giữa các giọt bắn của virus và không khí, từ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Cho trẻ đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà nếu trong nhà có nhiều người nhiễm cúm. (Ảnh minh họa).
Nếu trẻ đã đủ lớn, có thể tự đeo khẩu trang đúng cách, bố mẹ nên khuyến khích trẻ làm theo. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới ba tuổi hoặc những bé không thể tự đeo khẩu trang, các bậc phụ huynh cần tự bảo vệ mình và cố gắng hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Người bệnh nên đeo khẩu trang liên tục khi ở trong nhà, ngay cả khi chỉ tiếp xúc với người chăm sóc.
Ngoài ra, việc thay khẩu trang sau vài giờ và giữ vệ sinh khẩu trang sạch sẽ cũng rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa. Bố mẹ cũng cần dặn dò trẻ không được sờ vào khẩu trang khi đang đeo và rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
3. Sử dụng xịt sát khuẩn cho nhà ở và cá nhân
Chúng ta đều biết rằng, virus cúm có thể bám trên các bề mặt như: tay nắm cửa, mặt bàn, điện thoại, điều khiển từ xa hay các vật dụng khác trong gia đình. Vì vậy, việc thường xuyên khử khuẩn các bề mặt này là rất cần thiết để ngăn ngừa sự phát tán của virus. Các sản phẩm xịt sát khuẩn có thể giúp tiêu diệt virus và vi khuẩn có trên bề mặt, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho trẻ em cũng như các thành viên trong gia đình.

Dọn vệ sinh và xịt sát khuẩn mọi góc ngách trong nhà là một cách để bảo vệ trẻ. (Ảnh minh họa).
Bố mẹ cần đặc biệt chú ý những khu vực mà mọi người trong gia đình thường xuyên sử dụng, chẳng hạn như: bếp, phòng khách, phòng tắm hay các khu vực có thể tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Bên cạnh việc khử khuẩn các bề mặt, các vật dụng cá nhân như: bàn chải đánh răng, khăn mặt cũng cần được vệ sinh sạch sẽ và không dùng chung. Với những trẻ có nhiều đồ chơi, việc xịt khuẩn và khử trùng thường xuyên là điều cần thiết để ngăn chặn bệnh cho trẻ.
Đối với những người trong gia đình khỏe mạnh, cần phải rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ hoặc tiếp xúc với các vật dụng chung. Những thói quen này sẽ giúp giảm nguy cơ virus xâm nhập vào cơ thể và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
4. Nhắc trẻ giữ ấm
Cảm cúm và các bệnh lý liên quan đến hô hấp thường phát triển mạnh mẽ hơn khi cơ thể không được giữ ấm đúng cách, đặc biệt là vào các thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhiệt độ. Việc giữ ấm đúng cách giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động hiệu quả hơn và giúp cơ thể có sức đề kháng tốt để chống lại sự tấn công của virus.
Bố mẹ cần chú ý mặc cho trẻ những bộ quần áo ấm, sử dụng tất, găng tay và mũ khi trẻ ra ngoài trời, đặc biệt trong những ngày lạnh. Ngay cả khi ở trong nhà, cần đảm bảo nhiệt độ phòng ổn định và tránh để trẻ tiếp xúc với không khí lạnh hoặc gió lùa. Một cách khác để giữ ấm cho trẻ là sử dụng chăn ấm hoặc đắp thêm áo khoác cho trẻ khi ngủ, tránh để trẻ bị lạnh vào ban đêm. Việc giữ ấm này không chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là trong mùa cúm.

Chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ, tránh trẻ bị nhiễm lạnh. (Ảnh minh họa).
5. Dùng khăn giấy và vứt ngay sau khi sử dụng
Mọi người thường có thói quen sử dụng khăn giấy khi ho, hắt hơi hoặc lau mũi, virus cúm có thể lây lan qua các giọt bắn trong không khí, nếu không sử dụng khăn giấy đúng cách, những giọt nước bọt có thể rơi lên bề mặt và lây nhiễm cho những người xung quanh. Khi có dấu hiệu ho hoặc hắt hơi, người bệnh và trẻ em cần sử dụng khăn giấy để che miệng, đồng thời tránh sử dụng khăn tay vì nó có thể chứa virus và lây lan sang người khác.
Khăn giấy sau khi sử dụng cần được vứt ngay vào thùng rác kín và không để bừa bãi trong nhà. Người bệnh cũng cần nhớ vệ sinh tay sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng khăn giấy để tránh lây nhiễm. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thể không ý thức được sự nguy hiểm của việc tiếp xúc với các vật dụng đã nhiễm virus. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ để đảm bảo trẻ thực hiện đúng các bước vệ sinh cá nhân.

Khăn giấy sau khi sử dụng cần được vứt ngay vào thùng rác kín để tránh vi khuẩn lây lan. (Ảnh minh họa).
6. Theo dõi sức khỏe của trẻ
Mặc dù các biện pháp phòng ngừa giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cúm, nhưng việc theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ vẫn là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Khi sống chung với người mắc cúm, trẻ có thể có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc đúng cách. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ và quan sát các dấu hiệu bệnh như: ho, sốt, mệt mỏi, đau họng, hoặc sổ mũi. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời
Việc theo dõi sức khỏe của trẻ sẽ giúp phát hiện sớm các triệu chứng cúm và có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu trẻ đã tiếp xúc với người bệnh, cần chú ý quan sát và không chủ quan để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
AN THANH