1. Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc
Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Sự phát triển này kéo theo nhu cầu về nhân lực biết tiếng Trung ngày càng cao trên thị trường lao động trong nước.

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc không chỉ tập trung vào việc học tiếng mà còn bao quát nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, du lịch, ngoại giao, văn hóa, văn học, lịch sử, phong tục và tín ngưỡng. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng và chuyên sâu, bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Trung một cách toàn diện.
Ngoài ra, việc học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc còn mở ra cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực đa dạng như kinh tế, kỹ thuật, y học, nghệ thuật và văn hóa. Khả năng sử dụng tiếng Trung chính là chìa khóa để các bạn trẻ có thể tiếp cận những suất học bổng giá trị tại quốc gia này.
Tại Việt Nam, biết tiếng Trung là một lợi thế lớn giúp bạn dễ dàng tiếp cận những công việc có mức lương tốt, tính ổn định cao và cơ hội thăng tiến rõ ràng. Khả năng sử dụng tiếng Trung sẽ giúp sinh viên gia tăng sức cạnh tranh trong thị trường lao động, đồng thời đạt được mức thu nhập tốt hơn so với những ứng viên không có kỹ năng ngôn ngữ này. Cụ thể, sinh viên mới tốt nghiệp có thể nhận mức lương từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng, trong khi những người có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên có thể đạt mức thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí và doanh nghiệp tuyển dụng.
2. Ngành Quản trị bệnh viện
Thời gian gần đây, nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao. Xu hướng này khiến nhóm ngành Y tế – Sức khỏe trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ phía các nhà tuyển dụng.
Trong bối cảnh đó, vai trò của người làm công tác quản trị bệnh viện ngày càng trở nên quan trọng trong hệ thống y tế hiện đại. Họ có nhiệm vụ xây dựng và vận hành các quy trình làm việc khoa học, từ khâu tiếp nhận bệnh nhân cho đến các bước điều trị, nhằm đảm bảo hoạt động của bệnh viện được diễn ra hiệu quả, chuyên nghiệp và chất lượng.

Người quản trị bệnh viện cũng cần nắm rõ quy trình khám chữa bệnh tại cơ sở mình công tác để có thể đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp vào thiết bị y tế hiện đại và công nghệ mới, từ đó nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Đây là lĩnh vực đang có những bước phát triển tích cực và được đánh giá cao về tiềm năng trong tương lai. Đặc biệt, khi ngày càng nhiều bệnh viện và phòng khám triển khai các mô hình khám chữa bệnh tiên tiến, liên tục cải tiến quy trình, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị bệnh viện sẽ có nhiều cơ hội việc làm, mức thu nhập ổn định và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành y tế nước nhà.
Mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp ngành này thường dao động từ 8 – 12 triệu đồng/tháng, tùy theo năng lực và vị trí làm việc. Đối với các công việc thiên về marketing, xây dựng thương hiệu và định vị hình ảnh bệnh viện, mức lương có thể khởi điểm từ 10 – 25 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, ở Việt Nam chỉ có 5 trường đại học đào tạo ngành Quản trị bệnh viện, bao gồm: Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), Đại học Hùng Vương (TP.HCM), Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) và Đại học Nam Cần Thơ (Cần Thơ).
3. Ngành An toàn không gian số
Trong thời đại số hóa, không gian mạng được xem như một “lãnh thổ mới” cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây không chỉ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, mà còn là yếu tố then chốt đảm bảo an ninh quốc gia trong kỷ nguyên số. Chính vì thế, ngành An toàn không gian số đang nổi lên như một trong những lĩnh vực hấp dẫn và được săn đón hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, với mức thu nhập cao vượt trội.

Sinh viên theo học ngành này có cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ số an toàn cho cá nhân và doanh nghiệp. Họ sẽ góp phần hiện thực hóa Chiến lược An ninh mạng quốc gia, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới mô hình Chính phủ số hiện đại, minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn đang thiếu hụt hàng trăm nghìn nhân lực trong lĩnh vực này, cho thấy nhu cầu tuyển dụng và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành An toàn không gian số là vô cùng lớn và bền vững trong tương lai.
Đặc biệt, sinh viên sẽ được giảng dạy và hướng dẫn bởi các chuyên gia đầu ngành – là những cựu sinh viên đang công tác tại các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước. Đây chính là cơ hội để người học nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, mở rộng tầm nhìn toàn cầu và nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Với vai trò là chuyên gia An ninh mạng, người lao động có thể nhận mức thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/tháng – một con số ấn tượng, vượt trội so với nhiều ngành nghề khác trên thị trường lao động hiện nay.
4. Ngành Công nghệ chế biến thủy sản
Công nghệ chế biến thủy sản hiện là một trong những ngành đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông – thủy sản. Ngành học này trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về thu mua, kiểm tra, đánh giá chất lượng nguyên liệu, quy trình chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, phục vụ cả thị trường trong nước (siêu thị, nhà hàng) lẫn thị trường quốc tế.

Trong những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu tiệm cận mốc 10 tỷ USD/năm – một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển bền vững và vươn xa ra thị trường toàn cầu.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ chế biến thủy sản có nhiều cơ hội làm việc tại các vị trí như cán bộ kỹ thuật, chuyên viên giám sát chất lượng trong các doanh nghiệp chế biến – sản xuất thủy sản (như đồ hộp, thủy sản đông lạnh, hàng khô, nước mắm, bột cá, dầu cá, surimi và các sản phẩm giá trị gia tăng...). Ngoài ra, họ có thể công tác tại các cơ quan, tổ chức chuyên về kiểm định, phân tích chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản.
Mức thu nhập của ngành cũng rất cạnh tranh. Với năng lực chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm thực tiễn, người lao động có thể đạt mức lương từ khá đến cao, thậm chí lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng.
5. Ngành Ngân hàng
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính – ngân hàng không ngừng gia tăng. Chính vì thế, ngành Tài chính – Ngân hàng đang được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2025, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này sẽ tăng khoảng 20% mỗi năm. Trong đó, lực lượng lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm đến 80,4% tổng nhu cầu tuyển dụng. Riêng tại TP.HCM, nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng dự kiến chiếm khoảng 5% nhu cầu nhân lực, tương đương khoảng 15.000 vị trí việc làm mỗi năm.
Sức hút của ngành còn thể hiện qua mức thu nhập hấp dẫn. Báo cáo tài chính quý I/2024 từ 27 ngân hàng niêm yết tại Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đã chi hơn 25.000 tỷ đồng để trả lương và các khoản phúc lợi cho nhân viên. Theo đó, thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên ngân hàng đạt khoảng 35,8 triệu đồng – mức thu nhập thuộc nhóm cao so với mặt bằng chung của nhiều ngành nghề khác.
Hiện nay, nhiều trường đại học hàng đầu tại Việt Nam đang đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng, tiêu biểu như: Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngân hàng TP.HCM, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Kinh tế TP.HCM… Năm 2024, ngành Ngân hàng tiếp tục là ngành học “nóng” với điểm chuẩn cao, đơn cử như tại Học viện Ngân hàng, điểm chuẩn năm nay đạt 26,2 điểm.
H.A