Nợ đọng hơn 7.500 tỷ đồng BHXH
Theo Phó giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, tính đến ngày 31/12/2016, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chiếm 3,2% kế hoạch thu, tương đương 7.580 tỷ đồng. Đây được xem là tỷ lệ nợ đọng thấp nhất trong những năm gần đây.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp nhận định, tình trạng DN cố tình không đóng BHXH, BHTN là nguyên nhân chính dẫn đến nợ đọng BHXH, nhưng bên cạnh đó còn có nguyên nhân quản lý lao động chưa chặt chẽ, việc khai báo tăng giảm lao động của các DN thực hiện không nghiêm túc, chế tài xử phạt còn nhẹ.
|
Khách mời tọa đàm
|
Theo Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, trong tổng số nợ đọng BHXH 7.580 tỷ đồng hiện nay, có khá nhiều nợ đọng nằm trong các DN đã phá sản, giải thể, thậm chí DN đã bỏ trốn không tìm được. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động cần phải khoanh nợ lại để xử lý chế độ cho người lao động. Thế nhưng thực tế đến nay chúng ta chưa làm được.
Để xử lý tình trạng DN nợ đọng, trốn đóng BHXH, ông Phạm Lương Sơn cho biết BHXH sẽ tăng cường công tác thanh tra xử lý, giảm nợ đọng BHXH kéo dài, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đặc biệt, từ năm 2017 BHXH sẽ công khai công bố danh sách những DN nợ đọng BHXH, nhất là DN nợ đọng kéo dài lên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Việc công khai này dù làm ảnh hưởng đến uy tín DN nhưng BHXH sẽ làm rất kiên quyết”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng thông tin thêm, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tăng mức xử phạt với các trường hợp nợ, chậm đóng Bảo hiểm xã hội. Riêng đối với trường hợp trốn đóng có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Thu hút BHXH tự nguyện để giảm mất cân đối
Theo Thứ trưởng, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo khoảng năm 2037 Việt Nam sẽ mất cân đối quỹ BHXH.
Lý do là vì quan hệ đóng - hưởng của VN quá cao, mức hưởng rất cao với tối đa 75% (tỷ lệ tăng phần trăm 15 năm đầu hưởng 45% và tăng 2% đối với nam, 3% đối với nữ - PV).
Ông Diệp nêu thực tế, một người về hưu ở tuổi 60 với tuổi thọ trung bình hiện nay là 73 tuổi, dựa vào tỷ lệ đóng hưởng như hiện nay, BHXH chỉ đủ trả lương hưu được 10 năm, số năm còn lại BHXH vẫn phải chi trả. Nếu BHXH không đảm bảo chi thì ngân sách nhà nước phải bù vào.
Do vậy, một trong những giải pháp được tính đến là nâng tuổi hưu. Tuy nhiên, ông Diệp nói rõ nếu tăng tuổi hưu thêm 2 năm thì quỹ BHXH sẽ vẫn mất cân đối, do vậy phải kết hợp thêm nhiều giải pháp khác như tăng cường công tác quản lý…
|
DN trốn đóng BHXH sẽ bị phạt rất nặng
|
“Trong thời gian tới, BHXH sẽ nỗ lực phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, với mục tiêu mỗi năm cố gắng tăng thêm 1 triệu người tham gia đóng BHXH. Đặc biệt, BHXH sẽ kiến nghị với Chính phủ có cơ chế thu hút thêm đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện”, ông Diệp nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, từ 1/1/2018 Việt Nam sẽ mở rộng đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% trong tổng số 22% đóng BHXH cho những hộ lao động là hộ nghèo và 20% cho các hộ cận nghèo, 10% cho các đối tượng khác. Đây là “cái gậy” để chúng ta đảm bảo bền vững chính sách BHXH.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho biết thêm, hiện nay cả nước vẫn có khoảng 3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đóng và 8 triệu người làm công ăn lương nhưng không tham gia BHXH. Những đối tượng này cần có chính sách thu hút để tăng thêm cân đối cho quỹ BHXH.
Theo Vũ Điệp/Vietnamnet