Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có Công văn gửi Cục Quản lý Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải tỉnh thành yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn các tuyến xe chở khách giường nằm hai tầng trước ngày 30/9.
|
Xe khách giường nằm chạy các tỉnh miền núi phía Bắc đang bắt khách khá nhiều ở các bến xe trên địa bàn Thủ đô.
|
Theo công văn này, ôtô khách giường nằm 2 tầng thường có kích thước lớn, chiều cao trọng tâm khi chở đủ khách lớn hơn so với xe khách thông thường, khi lưu thông vào tuyến đường đèo dốc lớn sẽ có nguy cơ bị lật cao.
Vì vậy, các đơn vị liên quan phải rà soát các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện có xe khách giường nằm hai tầng đi qua, đánh giá công tác đảm bảo an toàn khi lưu thông trên từng tuyến theo định hướng căn cứ các yếu tố kỹ thuật, điều kiện địa hình (đặc biệt lưu ý đối với những tuyến có địa hình đèo dốc quanh co, bán kính đường cong và độ dốc dọc, dốc ngang không đảm bảo cho xe hai tầng lưu thông).
Các đơn vị được yêu cầu đề xuất việc đảm bảo an toàn khi tiếp tục cho phép khai thác và kiến nghị tạm dừng khai thác loại phương tiện này đối với từng tuyến đường cụ thể nếu có nguy cơ mất an toàn cao. Ngoài ra, cần kiểm tra, rà soát tường bảo vệ, rào chắn và hộ lan tôn sóng để thống kê đề xuất, kịp thời sửa chữa, bổ sung đối với quốc lộ tại các đoạn tuyến đã có công trình phòng hộ.
Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ, Sở Giao thông Vận tải tổng hợp số lượng xe khách giường nằm 2 tầng đã cấp phép vận chuyển hành khách và tổng số luồng tuyến đã thỏa thuận cho phép loại phương tiện nêu trên lưu thông trên địa bàn quản lý.
Còn đối với đoạn tuyến chưa có công trình phòng hộ, các cơ quan chức năng phải rà soát, xác định các đoạn tuyến cần thiết phải lắp đặt hộ lan tôn sóng, tường bảo vệ để dự kiến kinh phí, đề xuất lắp đặt bổ sung.
Đối với các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông, đoạn đèo dốc, vực sâu có nguy cơ xảy ra tai nạn thảm khốc, đặc biệt nghiêm trọng, Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành kiểm tra, đề xuất giải pháp thiết kế đặc biệt để bổ sung mới (nếu chưa có) hoặc giải pháp thiết kế tăng cường hệ thống phòng hộ hiện có để nâng cao khả năng phòng hộ, ngăn chặn tình trạng mất lái lao ra khỏi đường.
Tiến Dũng