Đó là ý kiến của ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan chức năng xem xét sớm bỏ loại xe này.
Không tai nạn, xe giường nằm vẫn nguy hiểm
Chia sẻ với Báo Giao thông, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết, từ năm 2010, ông đã có trải nghiệm đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Sa Pa. Sau lần đi đó, qua nhiều kênh khác nhau, ông luôn đề nghị phải bỏ ngay lập tức loại xe này, trừ khi có những cải tiến cơ bản về thiết kế và các biện pháp an toàn cho khách.
|
Với thiết kế như trong ảnh, chỉ cần va chạm nhẹ, hành khách dễ đập đầu vào các thanh giường bằng sắt. |
“Với thiết kế như hiện nay của xe khách giường nằm ở Việt Nam, nguy cơ chấn thương nặng cho hành khách là rất lớn. Không cần phải có tai nạn như vụ xe lao xuống vực như vừa qua hay đâm, lật xe, mà chỉ cần đơn giản là nếu xe đang phóng nhanh, phanh gấp, khách rất dễ đập đầu vào các thanh giường bằng sắt gây ra chấn thương sọ não hoặc gãy xương bởi xe không có hệ thống dây an toàn. Và với thiết kế như hiện tại, kể cả có dây an toàn cũng không giúp được gì”, ông Minh nói.
Ông Minh phân tích, do giường nằm thiết kế quá sát nhau, khung bằng kim loại để trần, không có đệm đủ an toàn trên đầu và xung quanh để tránh va đập khi có sự cố. Giường nằm đặt theo hướng xe đi, trong khi tàu hỏa giường nằm được thiết kế nằm ngang, khi có chấn động sẽ an toàn hơn nhiều cho khách. Hơn nữa, không gian trên xe khách giường nằm chật hẹp, cửa sổ khó mở hoặc không mở được, khi có tai nạn hành khách khó có cơ hội thoát ra ngoài.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng cho biết, hiện nay rất ít nước còn kiểu xe này. Nhiều nhất là ở Trung Quốc, có chăng nữa là ở Ấn Độ, do nhu cầu đi lại quá cao, đường sắt khó đáp ứng và đất nước họ rộng lớn. “Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh ngừng sản xuất loại xe có giường nằm kể từ 1/3/2012. Trong khoảng 4 - 5 năm nữa Trung Quốc sẽ thải hết các xe này và trong thời gian này, Chính phủ cũng yêu cầu các hãng xe phải cải thiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho phương tiện”, Đại sứ Minh nói.
Thông tin thêm ở một số nước khác, trong đó có các nước phát triển như Mỹ, Anh, ông Minh cho biết, vẫn có loại xe giường nằm. Tuy nhiên, đây chủ yếu là các loại xe sang trọng, dành cho các đội bóng, các ban nhạc di chuyển khi đi lưu diễn. Gần đây, một số hãng xe ở Anh tiếp tục cung cấp dịch vụ này nhưng các xe được thiết kế an toàn, ít giường, chỉ tối đa 8-16 giường, có không gian rộng rãi, đệm êm để đảm bảo tránh thương tích cho hành khách khi có sự cố. Thực chất đây là hình thức đi lại cao cấp (luxury) chứ không phải rẻ tiền.
“Trong điều kiện Việt Nam, tốt nhất là khuyến khích dùng loại xe có ghế mềm, ngồi ngả tối đa như ghế máy bay cho các chặng dài, có thể ngủ ở tư thế ngồi ngả được. Trên xe có nhà vệ sinh như nhiều hãng xe ở Anh và nhiều nước đang vận hành, thay vì cho phép chạy các xe giường nằm “chất lượng cao” nguy hiểm như hiện nay. Bộ GTVT cần tiến hành nghiên cứu đánh giá toàn diện về xe giường nằm để có chính sách phù hợp, đảm bảo an toàn cho hành khách, đồng thời cũng tránh được tình trạng Trung Quốc bán đổ rác các xe giường nằm bị loại bỏ sang Việt Nam”, đại sứ Minh đề xuất.
Đường núi quanh co dứt khoát phải cấm
|
Xe khách giường nằm tuyến Hà Nội - Vinh. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Hiệp hội mới đây cũng tổ chức họp và gần như tất cả các thành viên đều đồng tình và thống nhất cao việc việc cấm xe khách giường nằm chạy trên các tuyến đường miền núi, quanh co, hiểm trở. Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị Bộ GTVT cần tổ chức khảo sát kỹ lưỡng để có đánh giá khách quan xem những tuyến loại nào cần cấm, đường nào tiếp tục cho chạy.
“Với các tuyến đường núi quanh co, hiểm trở, dứt khoát phải cấm, chỉ cho phép các xe chạy đến các tỉnh lỵ. Không chỉ với xe khách giường nằm, mà với xe khách thông thường loại lớn cũng cấm chạy trên các tuyến huyện lỵ miền núi. Các xe chạy hợp đồng, du lịch, tuyệt đối không cấp phép chạy xe khách giường nằm, bởi họ sẽ lợi dụng để hoạt động trá hình và chạy trên các tuyến đường miền núi, rất nguy hiểm”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho rằng, tới đây Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra toàn diện hoạt động vận tải hành khách. Doanh nghiệp nào không đủ điều kiện kinh doanh phải thu ngay Giấy phép kinh doanh. Xe nào không đảm bảo chất lượng, thu ngay tem đăng kiểm. Đồng thời, Bộ GTVT cũng cần kiểm tra lại hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cọc tiêu, biển báo, hộ lan trên các tuyến giao thông. Hộ lan lẽ ra xe đâm vào phải ngăn lại được, đằng này lắp cho có, vừa va vào đã đổ vật hết ra thì sao chặn được tai nạn.
Bố trí lại luồng tuyến
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thực tế cho thấy, nếu các xe giường nằm chạy đúng quy định, ở những điều kiện địa hình phù hợp sẽ không sao cả, nhưng nếu chạy ở những địa hình phức tạp, kết cấu hạ tầng chưa tốt, tính ổn định, độ an toàn của loại xe này không cao. Tới đây, Bộ GTVT sẽ quy định cụ thể đường miền núi không cho phép xe giường nằm hoạt động mà chỉ hoạt động ở đường đồng bằng, đường được cấp hạng, có đầy đủ các yếu tố cho phép hoạt động. Đặc biệt, điểm dừng đỗ phải đúng qui định. Chẳng hạn như vụ xe giường nằm lao xuống vực thảm khốc vừa rồi xảy ra là do xe chạy sai luồng tuyến. Nếu chiếc xe đó chạy đúng tuyến Hà Nội - Lào Cai đã không xảy ra như vậy.
Với các trường hợp xe đã được cấp phép luồng tuyến hoạt động, Thứ trưởng Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ rà soát hết rồi bố trí lại luồng tuyến. Lâu nay, một số doanh nghiệp chạy tuyến không được phép cho xe giường nằm sẽ bắt buộc phải chạy đúng tuyến.
Về mặt quản lý, Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các điều kiện về kinh doanh vận tải, nhất là điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Số người không được chở quá quy định vì nhà thiết kế đã tính toán rất kỹ các yếu tố như: Lật, phanh, tốc độ, tải trọng nên trước hết phải chấp hành đúng các tiêu chuẩn của xe. Chỉ cần chở quá số người, hàng hóa là có thể gây nguy hiểm. Bên cạnh đó là hệ thống kỹ thuật như giường, phanh, khung làm sao chống được lực, các độ uốn cong khi vào các đoạn đường cua.
Theo Đức Thắng - Tiến Mạnh/GTVT