Ngày 26-9, thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đã tổ chức hội thảo về Luật căn cước công dân - dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10.
Trả lời báo chí bên lề hội thảo, thiếu tướng Trần Văn Vệ (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) cho biết:
- Sau khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật căn cước công dân tại kỳ họp đầu năm, ban soạn thảo của Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội tiếp thu các ý kiến, giải trình những thắc mắc của đại biểu Quốc hội.
|
Người dân làm chứng minh nhân dân tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM. |
Đó là các ý kiến liên quan đến số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân (CMND) 9 số và 12 số, tính khả thi của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như dự án Luật căn cước công dân, thời điểm cấp căn cước cho trẻ em mới sinh ra.
Sau hội thảo này, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và an ninh để hoàn thiện dự án luật, sao cho khi trình thì Quốc hội yên tâm bấm nút thông qua.
* Vừa qua Ủy ban Quốc phòng và an ninh đã kiến nghị trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật căn cước công dân, trước mắt đề nghị chỉ đạo tạm dừng việc cấp CMND theo công nghệ mới (12 số). Vì sao Bộ Công an không trình Chính phủ dừng cấp để chờ quyết định của Quốc hội về dự án luật này?
- Ý đó là khi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đi khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về căn cước công dân”. Lúc đầu các anh kiến nghị nhưng không kiến nghị chính thức với Chính phủ.
Vì dự án này đã triển khai từ năm 2004 và triển khai rất kỹ càng. Kể cả với chứng minh thư cũ (9 số) thì đến khi Luật căn cước công dân ra đời người ta vẫn sử dụng. Không cần phải hoãn lại.
Như vậy, nếu Luật căn cước công dân được Quốc hội thông qua, vẫn tồn tại ba loại chứng minh. Một là chứng minh 9 số, hai là chứng minh 12 số và ba là căn cước công dân.
* Như vậy liệu giấy tờ có nhiều thêm đối với người dân?
- Không sao cả, không nhiều gì. Thực tế là mỗi công dân một chứng minh thư, khi hết thời hạn của loại chứng minh thư mà họ đang sử dụng thì phải đổi. Không phiền hà gì.
* Sau này có thẻ căn cước thì thay thế chứng minh thư mẫu mới (12 số) hay vẫn sử dụng, thưa ông?
- Theo lộ trình thì CMND cũ vẫn có hiệu lực 15 năm từ ngày cấp, hiệu lực kể cả khi Luật căn cước công dân ra đời vì luật có điều khoản chuyển tiếp vẫn công nhận giá trị sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước theo quy định của luật.
* Đến nay tiến độ cấp CMND theo công nghệ mới diễn ra như thế nào?
- Hiện nay đã hoàn thiện (hạ tầng để đảm bảo việc cấp thẻ CMND mẫu mới) tại Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình.
Trong năm nay sẽ hoàn thiện cấp ở TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa. Đến nay đã cấp trên 400.000 CMND theo đúng quy trình, bảo đảm các yêu cầu nghiệp vụ.
|
Thiếu tướng Trần Văn Vệ. |
* Có ý kiến cho rằng nên sử dụng tiếp CMND 9 số cho đỡ lãng phí. Ông nghĩ sao?
- Chứng minh thư 12 số đảm bảo cấp cho mỗi công dân một mã số duy nhất, không trùng lặp. Khi triển khai xây dựng dự án Luật căn cước công dân, Bộ Công an đã tiến hành tổng kết 15 năm triển khai cấp CMND thì thấy rằng 9 số không đảm bảo yêu cầu để cho trên 100 triệu dân cũng như công dân sinh ra ở nước ngoài.
Chúng tôi đã tham khảo hơn 30 nước trên thế giới, tổ chức nhiều hội thảo, qua đó đều khẳng định 12 số là hợp lý.
|
Từ trên xuống: l CMND mẫu cũ (loại 9 số) l CMND mẫu mới 12 số l Mặt trước của thẻ căn cước công dân. |
* Chuyển từ chứng minh thư 9 số sang 12 số, rồi tới đây dự kiến sẽ cấp căn cước công dân liệu có lãng phí công nghệ, thiết bị đã đầu tư?
- Không lãng phí vì trước đây là thủ công, rất lạc hậu. Khi đoàn giám sát của Quốc hội đi thì thấy anh em công an quá vất vả vì làm chứng minh thư phải lăn tay, đánh máy, dập, đóng dấu. Nay sử dụng công nghệ mới thì rất hiện đại.
* Công nghệ làm CMND mẫu mới (12 số) có sử dụng được để làm thẻ căn cước công dân?
- Nó là một. Toàn bộ làm như thế, chỉ thay chữ CMND bằng chữ căn cước công dân. Đây là công nghệ nhập từ Mỹ.
* Chi phí làm chứng minh thư theo công nghệ mới trên cả nước hết khoảng bao nhiêu, thưa ông?
- Ở nước ngoài thường một căn cước công dân có thể 2-3 USD. Ở mình dự án ban đầu là 468 tỉ đồng làm được trên 25 tỉnh. Sang giai đoạn 2 thì có thêm cơ sở dữ liệu để lưu trữ, còn máy móc vẫn thế.
* Mẫu thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi có gì khác người trên độ tuổi đó?
- Trẻ em từ khi sinh ra đến 14 tuổi sẽ có mẫu căn cước công dân khác, trên đó phải có tên cha mẹ hoặc người giám hộ.
Nên điện tử hóa tàng thư căn cước công dân
Tại hội thảo, đại tá Nguyễn Ngọc Kỷ (nguyên phó trưởng phòng thí nghiệm mô phỏng - tích hợp hệ thống thuộc Cục Tin học nghiệp vụ Bộ Công an) cho rằng không cần thiết mở rộng số căn cước công dân từ 9 số lên 12 số.
Theo ông Kỷ, nguyên tắc về tính duy nhất suốt đời của số căn cước là nguyên lý cơ bản của một hệ căn cước. Nguyên tắc này sẽ bị phá vỡ nếu cho phép một công dân khi hết thời hạn căn cước công dân cũ được cấp đổi lại căn cước công dân mới với số mới.
Sau khi cho đổi số căn cước công dân mới, tất cả hồ sơ của công dân được đổi sẽ bị chặt làm “hai khúc”, gồm khúc chứa số căn cước công dân cũ và khúc chứa số mới.
Ông Kỷ cho rằng nếu cắt góc giấy chứng minh nhân dân cũ hay cấp giấy chứng nhận “số cũ, số mới” thì cải tiến thành “cải lùi”, vì lẽ ra công dân chỉ dùng một giấy chứng minh nhân dân 9 số nay lại phải dùng đến ba cái với 9+12=21 số.
Ông Kỷ kiến nghị tập trung điện tử hóa tàng thư căn cước công dân các địa phương và hợp nhất thành hệ căn cước công dân trung ương, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư theo hướng điện tử hóa và hợp nhất ba hệ căn cước công dân, hộ khẩu và hộ tịch.
Sau đó mới cho đổi giấy căn cước công dân đồng loạt trên phạm vi cả nước theo nguyên tắc chỉ thay phôi, bổ sung phần dành cho máy đọc nhưng vẫn giữ lại số căn cước công dân 9 chữ số như cũ.
Theo Tuổi Trẻ