Một vốn gần chục lời
Nhận được thông tin từ cục Xuất nhập cảnh, nhân viên của Cục phát hiện chứng minh thư nhân dân (CMTND) của người lao động nghi là giả, cơ quan an ninh Công an Bắc Giang đã vào cuộc. Sau khi điều tra, cơ quan an ninh đã tạm giữ đối tượng Vương Thị Hà (SN 1967) ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Qua giám định, cơ quan chức năng phát hiện, đây là CMTND thật sử dụng mang tên Đoàn Thị Lộc (SN 1965) ở Yên Dũng, Bắc Giang dùng để xin cấp hộ chiếu.
Tại cơ quan điều tra, Hà khai nhận, thông qua một người tên là Ngô Thị Hồng ở Chí Linh, Hải Dương, Hà đã mua CMTND trên với giá 25 triệu đồng. Qua xác minh, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Ngô Thị Hồng ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Thông qua đối tượng Hồng, cơ quan điều tra đã tìm ra kẻ chủ mưu là Lê Hồng Quân (SN 1980) ở Nam Sách, Hải Dương. Khám xét nhà Quân, cơ quan điều tra thu được nhiều hộ chiếu, CMTND và biên lai thu tiền thật và giả.
Tại cơ quan điều tra, Quân tỏ ra rất điềm tĩnh, bình thản. Dù các điều tra viên đưa ra nhiều chứng cứ, Quân thừa nhận mình chỉ tham gia... môi giới khi người lao động có nhu cầu làm CMTND giả.
|
Đối tượng Lê Hồng Quân tại Cơ quan điều tra. |
Sau khi đối chất với Hà, Quân mới thừa nhận có làm CMTND giả. Quân khai nhận, Quân biết một số người bị trục xuất khi đi lao động nước ngoài nhưng rất muốn quay lại quốc gia đó làm việc. Nhưng muốn quay lại, người lao động buộc phải thay tên đổi họ để làm thủ tục cấp hộ chiếu. "Có cầu ắt có cung", Quân đã "nảy" ra "ý tưởng" mua CMTND thật sau đó dán ảnh người cần đi lao động vào. Nếu chỉ kiểm tra bằng mắt thường thì rất khó phát hiện sự gian dối này.
Nghĩ là làm, Quân về quê hỏi mua CMTND thật của người dân. Do thiếu hiểu biết, lại hám tiền, một số người dân đã đồng ý bán CMTND cho Quân với giá 1.500.000 đồng/chiếc. Trên những CMTND thật này, Quân dán ảnh của người cần mua CMTND rồi bán lại với giá từ 1.000 đến 1.500 USD, tùy theo từng quốc gia mà người lao động muốn đến.
Lật tẩy chiêu trò của kẻ chủ mưu
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn, người trực tiếp điều tra vụ án cho biết: "Đây là một vụ án rất phức tạp, các đối tượng hoạt động trên diện rộng, với nhiều chân rết cùng tham gia. Quân là kẻ dày dạn kinh nghiệm nên dù bị bắt quả tang, nhưng Quân cũng chỉ thừa nhận duy nhất một trường hợp mà y làm CMTND giả. Chỉ đến khi đồng phạm khai ra, y mới "tâm phục khẩu phục". Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của Quân và đồng phạm".
Để che mắt cơ quan chức năng, Quân và đồng bọn chỉ giao dịch qua điện thoại. Ngã giá xong, chúng hủy ngay sim điện thoại vừa sử dụng. Cơ quan điều tra đã chứng minh được Quân và đồng phạm đã làm CMTND giả cho 14 trường hợp ở nhiều tỉnh thành như: Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An... Với những người đã sang nước ngoài trót lọt, cơ quan điều tra không xác định được.
Tuy cơ quan điều tra kết luận Lê Hồng Quân cùng đồng phạm đã phạm tội làm giả tài liệu cơ quan Nhà nước và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, có bao nhiêu CMTND giả được Quân "nhào nặn" vẫn là một ẩn số.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn, việc làm CMTND giả và sử dụng CMTND giả đều là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh.
Theo Lương Liễu/Đời Sống & Pháp Luật