Công an Hà Nội cho biết nạn nhân Nguyễn Như Ngọc tử nạn là cán bộ Công an huyện Gia Lâm, đang đi học tại Học viện An ninh Nhân dân.
Trong ngày, cơ quan công an đã tiến hành pháp y nạn nhân, sau đó làm thủ tục cho gia đình đưa về để làm tang lễ.
Thừa nhận lỗi của đơn vị thi công
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội, thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, các đơn vị nghiệp vụ công an đã vào cuộc điều tra vụ việc.
|
Hiện trường vụ tại nạn - Ảnh: Nhất Nam.
|
Vụ rơi sắt này được cơ quan công an xác định là một vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, hiện đang do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với Công an quận Hà Đông tiến hành điều tra.
Cơ quan công an đã đưa toàn bộ các công nhân, lái cẩu và người chịu trách nhiệm tại công trường về trụ sở để thẩm vấn.
Các vấn đề về việc bó thép khi đưa lên cẩu, an toàn của cẩu như dây cáp, các mối hàn đều được làm rõ.
Bên cạnh đó, cơ quan công an còn xem xét trách nhiệm khi tiến hành cẩu thép trong khu vực công trường nhưng không thực hiện phân luồng hoặc cấm đường tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông.
Bước đầu, cơ quan công an xác định có vấn đề đứt mối hàn tai quang (giá đỡ bó thép khi cẩu lên) dẫn đến việc 3 thanh sắt lao ra đường, rơi vào người đi đường, gây tai nạn.
Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí, ông Cấn Hồng Lai, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1, thừa nhận có lỗi của đơn vị thi công trong vụ việc này nên mới xảy ra tai nạn.
Ông Lai cho biết cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường nhưng chưa có kết luận cuối cùng.
Thông tin ông Lai nắm được từ cán bộ có trách nhiệm của mình thì vụ tai nạn xảy ra do đứt mối hàn liên kết con treo của giá đỡ bó thép khi cẩu thép lên cao.
Theo đó, bó thép được đặt trong một giá đỡ để cẩu lên khu vực trên cao. Quá trình cẩu, bó thép và giá đỡ đã có va chạm với đà giáo của công trình khiến bị bung mối hàn liên kết và 3 thanh thép bật ra, lao ra đường.
Ông Lai khẳng định khi cẩu thép lên, toàn bộ đều nằm trong khu vực công trường, có quây tôn và chỉ khi có sự cố va chạm với đà giáo, số thanh thép này mới bị lao ra khỏi khu vực công trường.
Đối với cẩu và các thiết bị trên công trường, ông Lai cho biết vẫn trong thời hạn kiểm định đảm bảo an toàn.
Đơn vị tư vấn đã có sơ suất
Trả lời về việc thi công công trình cả ngày và đêm, thậm chí vào giờ cao điểm nhưng không có biện pháp cảnh báo giao thông, không thực hiện việc cấm đường tạm thời đã dẫn đến vụ tai nạn này, ông Cấn Hồng Lai thừa nhận khi trình biện pháp thi công thì đơn vị tư vấn đã có sơ suất không có các giải pháp này vì tuyến đường này là điểm nóng giao thông, muốn chặn đường phải có sự hỗ trợ của CSGT.
Về trách nhiệm, ngoài việc cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý, ông Cấn Hồng Lai cũng khẳng định ở đây trách nhiệm trước tiên thuộc về đơn vị thi công. Tổng công ty sẽ xác định, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân vi phạm căn cứ trên hồ sơ quy định về tổ chức thi công công trình.
Cũng trong những ngày qua, có thông tin về việc các đơn vị thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã để xảy ra tình trạng vôi vữa bê tông rơi xuống đường, ảnh hưởng đến người đi đường, ông Lai cho biết đã kiểm tra và khẳng định không phải đơn vị của mình.
Ngày 6/11, Cienco1 đã hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong trước mắt 100 triệu đồng để làm các thủ tục mai táng. Đối với các gia đình nạn nhân bị thương hỗ trợ trước mắt 50 triệu đồng và chăm lo thuốc men, chi phí khám chữa bệnh.
Theo Minh Quang/Tuổi Trẻ