Ngồi trong tù 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn chậm chạp đi nhiều so với tuổi của mình. Ông bị chứng đau đầu kinh niên, không nói được nhiều. Một câu hỏi dài, nhiều nội dung cũng có thể làm ông bị bối rối, bóp trán. Ông nhạy cảm với nỗi đau, sự mất mát đến nỗi chỉ cần ai đó nhắc đến từ “oan” cũng có thể khiến ông bật khóc.
|
Ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan. |
Phải mất nhiều thời gian, ngồi thuyết phục từ từ cùng với sự động viên của luật sư Nguyễn Đức Biền - người đã bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cách đây 10 năm và ông Thân Ngọc Hoạt (SN 1958) - người anh em “đồng hao” (lấy chị vợ của ông Nguyễn Thanh Chấn) đã sát cánh bên vợ ông Chấn đi tìm công lý, thì người tù vừa được trả tự do này mới bình tĩnh để kể về những cơn ác mộng của mình.
Những cái tên góp phần đưa ông Chấn vào tù:
Cán bộ điều tra: Nguyễn H.T, Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L.
Kiểm sát viên: Đặng T.V.
Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm là ông Nguyễn Minh Năng - bị tai nạn giao thông năm 2010, hiện vẫn đang phải điều trị do bị ảnh hưởng đến não.
Trong 10 năm, có nhiều việc ông đã quên, nhưng riêng việc bị ép cung thì ông vẫn nhớ. “Trực tiếp là điều tra viên Nguyễn H.T, còn thì cán bộ khác hỏi. Điều tra viên Trần N.L tay cầm dao, lăm lăm đe doạ”.
“Điều tra viên L hỏi: “Mày có khai không, tao cho mày chết”. Điều tra viên D đánh tôi, bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường”, ông Chấn nói.
Từ trong tù, trong đơn kêu oan đề gửi Thanh tra Bộ Công an, ông Chấn cũng nêu rõ: "Ngày 30/8/2003, tôi nhận được “giấy mời lần 1” về Công an huyện Việt Yên để gặp và làm việc. Cụ thể là lấy dấu chân và dấu vân tay của tôi, đồng thời hỏi tôi có biết gì về cái chết của cô Hoan (Nguyễn Thị Hoan - nạn nhân bị sát hại) không? Tôi trả lời không biết gì cả.
Đến 20/9/2003, tôi lại nhận được giấy triệu tập lần 2. Tôi lên để gặp làm việc và tiếp tục lấy dấu vân tay, dấu chân nhiều lần. Tôi vẫn trả lời không biết gì về cái chết của cô Hoan cả.
Sáng hôm sau, tôi đến theo hẹn thì cán bộ Nguyễn H.T lại lấy dấu chân, dấu tay của tôi nhiều lần rồi tra hỏi, đánh tôi rất đau”.
“Từ đó, các cán bộ: Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L thay nhau túc trực tôi suốt ngày này sang đêm khác, không cho tôi về và không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc bắt tôi”.
Trong đơn mô tả: “Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo ''cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ'' vì cán bộ Nguyễn H.T trên tay lúc nào cũng cầm dao hăm dọa ép buộc tôi phải nhận. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28/9/2003. Thế là đến chiều chuyển tôi về trại Kế - Bắc Giang”.
Ông tiếp tục kể, trong thời gian tạm giam ở trại Kế, có đêm ông Chấn bị chuyển 3-4 buồng. “Có lần vào buồng của phạm nhân Phạm Duy Hồng - thì có một mình phạm nhân ấy với tôi. Vừa vào đã bị đánh, dùng dép đánh vào 2 mang tai, sau đó bắt hát. Bị bắt từ ngày 20 đến ngày 28 hầu như tôi không được ngủ, đầu óc quay cuồng, lâng lâng” - ông Chấn nấc lên rồi lại lấy tay ôm mặt.
“Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho một tù nhân giả làm cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho cái thìa, cái lược để giả làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo. Làm đi làm lại để cho đúng ý của họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim (thực nghiệm hiện trường - PV).
|
Nhà nạn nhân Nguyễn Thị Hoan hiện đóng cửa suốt ngày, chỉ có em gái của nạn nhân ở. |
Nhớ lại thời khắc ở tòa, ông Thân Ngọc Hoạt kể: “Chấn chỉ kiểm sát viên Đặng T.V, nói: “Ông kia mang hồ sơ sang bắt tôi ký nhưng tôi không ký, ông ấy còn định đánh tôi” và Chấn kể ra việc bị ép cung. Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu có bằng chứng, nhưng một phạm nhân thì lấy đâu ra bằng chứng?".
Ông Hoạt cũng nhớ lại: “Tôi có làm đơn kiến nghị, tại sao không có vân tay của Chấn mà kết tội được? Nếu đúng là bản tự thú của Chấn viết tại sao gần 1 tháng sau mới dựng hiện trường? Hóa ra, ra tòa mới biết, do Chấn bị bắt tập như tập kịch dựng hiện trường cho thành thạo thì mới thực nghiệm hiện trường”.
Còn luật sư Biền cũng nhớ lại: “Tại tòa, tôi hỏi: “Anh không thực hiện hành vi tội phạm, sao lại thực hiện thành thục như trong mô tả của cáo trạng?”. Chấn trả lời: “Là do điều tra viên dạy thực nghiệm nhiều lần trong tù”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này - sau 10 năm, các điều tra viên trong vụ án này đã chuyển nhiều vị trí công tác. Đáng chú ý, theo ông Hoạt và một số người dân địa phương, điều tra viên Nguyễn H.T đã tử vong trong một tai nạn giao thông thảm khốc trên đường đi làm về.
Một số điều tra viên mà ông Nguyễn Thanh Chấn có nhắc tên trong đơn kêu oan hiện vẫn đảm nhiệm một số cương vị trong ngành công an ở tỉnh Bắc Giang.
Trong khi đó, chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn năm 2004 là ông Nguyễn Minh Năng. Tuy nhiên, ông Năng bị tai nạn giao thông năm 2010, hiện vẫn đang phải điều trị do bị ảnh hưởng đến não.
Hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao đang xem xét để định đoạt kết quả cuối cùng của vụ án. Gia đình ông Chấn và người dân đang trông đợi công lý được thực thi.
Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong giai đoạn đầu điều tra của vụ án chấn động công lý này thì mãi không thay đổi được. Nó đã gây ra một cơn ác mộng kéo dài tới 10 năm.
Theo Người Lao Động