Liên quan đến vụ việc ĐBQH Châu Thị Thu Nga bị bắt, theo thông cáo, ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 866/NQ-UBTVQH13.
Tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định “tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga”, đồng ý với đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao tại Công văn số 4866/VKSTC-V1 ngày 31/12/2014 “về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự”.
|
Cơ quan công an thu giữ một số tài liệu sau cuộc khám xét nhà bà Nga phục vụ công tác điều tra. |
Việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga là “để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, bà Nga chưa bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, bởi theo quy định của pháp luật thì việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc cử tri.
Điều 58, Luật tổ chức Quốc hội quy định: “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tối cao; Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó”.
Điều luật này cũng quy định thêm: “Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Liên quan đến thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội quy định: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó”.
Quốc hội đương nhiệm (Khóa XIII) cũng đã bãi nhiệm tư cách đại biểu của một nữ doanh nhân khác: bà Đặng Thị Hoàng Yến. Bà Yến bị Quốc hội biểu quyết và ra nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương MTTQ VN và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Lê Kiên/Tuổi Trẻ