Đừng làm luật cho có
Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội đang được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm là làm sao để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, làm sao để chọn được người giỏi, có tâm, có tầm vào Quốc hội để đóng góp được nhiều nhất cho đất nước. Rõ ràng băn khoăn làm sao chọn được người giỏi vào Quốc hội là một vấn đề cấp thiết?
Quốc hội có mấy nhiệm vụ quan trọng như lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Muốn đổi mới hoạt động cần phải tổ chức cải cách nhiều thứ, mà quan trọng là yếu tố đầu vào. Làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ, không để xảy ra tình trạng nhiều đại biểu hết cả nhiệm kỳ mà không thấy làm gì, không có gì để làm, cũng đừng để tình trạng xây dựng, làm luật cho có, cho đủ, cho tròn nhiệm vụ.
Vậy là trong chính Quốc hội cũng có tồn tại những bất cập?
Tôi không phủ nhận quy trình làm hiện nay, nhưng nó vẫn có những nhược điểm để chưa thực sự thu hút được hết những người có tài năng, muốn cống hiến phát triển xây dựng đất nước. Để có được đầu vào chất lượng cao thì ngoài chế độ “dân bầu, Đảng cử” phải áp dụng giống như các nước tiên tiến họ làm, nghĩa là mọi người được ứng cử tự do, người dân bầu cử trực tiếp hoặc thậm chí là thi tuyển.
Ý ông nói là để chọn được đại biểu có tài thì phải mở rộng hình thức tranh cử, ứng cử?
Đúng vậy. Giả sử để ứng cử vào đại biểu Quốc hội, phải trình ra các đề án để phát triển, thực hiện như thế nào, ai thực hiện, chiến lược phát triển ra sao, tính khả thi thế nào... Đề án có khả thi hay không, có phù hợp với thực tế hay không thì cử tri có thể giám sát được.
Liệu nó có mâu thuẫn với chế độ chính trị chúng ta đang có?
Không có gì là mâu thuẫn cả, Đảng cũng từ dân mà ra. Bản chất của Đảng là trung thành với đất nước, trung thành với nhân dân. Năm 1946, chúng ta đã thực hiện cuộc tổng tuyển cử một cách dân chủ hoàn toàn tự do. Dân có quyền bầu ra người có tài năng và đạo đức để lãnh đạo đất nước. Khi có những người thực tài lãnh đạo thì Đảng mạnh lên, nhà nước mạnh lên. Nó là mối quan hệ qua lại tác động lẫn nhau.
Biểu hiện của một đại biểu có tài, có tâm trên nghị trường theo ông sẽ là gì?
Đại biểu Quốc hội phải lo lắng được cho cử tri của mình. Người có tài, có tâm thì khi phát biểu ý kiến, khi đóng góp xây dựng chính sách sẽ không bị ràng buộc, không bị “vòng kim cô” trên đầu gò bó, họ chỉ làm vì lợi ích của cử tri. Muốn đổi mới hoạt động của Quốc hội phải làm sao để tháo được chiếc “vòng kim cô” đó ra.
|
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Mỗi đại biểu có nhiều vòng trên đầu lắm!
Ông vừa nói đến chiếc “vòng kim cô”, cụ thể hơn nó là gì ạ?
Nói chung gồm rất nhiều thứ. Ví dụ như đại biểu gắn với một chức vụ, quyền hạn nào đó, gắn với lợi ích của một nhóm nào đó, thậm chí là bộ ngành nào đó thì có vòng kim cô của mảng đó. Bởi thế đổi mới và nâng cao chất lượng đại biểu thì cần hạn chế tối đa đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Đảng, cơ quan hành pháp, đồng thời không nên đặt ra quá nhiều chức tước, cấp bậc trong chính bộ máy Quốc hội. Điều này cũng có một số đại biểu nhắc đến rồi.
Cơ quan Quốc hội là đại diện của những con người ưu tú nhất cho đầy đủ các thành phần trong xã hội, càng hạn chế cấp bậc trong Quốc hội thì càng hạn chế được khả năng có thể có quyền lợi cá nhân, có mệnh lệnh trong xây dựng pháp luật, trong việc ra quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Rõ ràng muốn tìm được người thực sự xứng đáng với vị trí là đại biểu Quốc hội là vấn đề không phải đơn giản?
Mỗi vị đại biểu Quốc hội hãy tự hỏi mình đã toàn tâm toàn ý lo cho nhân dân chưa, hay có những lúc nào đó vẫn chỉ biết đến quyền lợi của cá nhân mình? Có bao nhiêu người bóc tách được hai điều đó? Việc cử tri lựa chọn đại biểu Quốc hội là họ đã gửi gắm những mong ước, khát khao của mình, liệu có vị đại biểu nào không bao giờ thấy băn khoăn vì mình đã làm chưa hết nhiệm vụ?
Có đại biểu cho rằng, thực tế có khá nhiều cán bộ có tư duy phản biện kém, dễ chấp nhận những kết luận, nhận định vuông vức, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra, dù trong thực tế cuộc sống còn đầy gai góc, gập ghềnh. Là người có hơn chục năm làm trong Quốc hội, ông nghĩ sao?
Ta phải tiến tới dần dần loại bỏ những đại biểu Quốc hội kiểu này, để mỗi đại biểu thực sự là tiếng nói của dân, đáp ứng được mong muốn nguyện vọng của nhân dân. Chứ nhiều người lợi dụng công việc là đại biểu Quốc hội để bìu ríu vợ con cháu chắt thì cũng đáng buồn lắm.
Đại biểu đừng nói cho vui
Nhiều đại biểu đề nghị nâng số đại biểu chuyên trách lên 50%, ý kiến của ông thế nào?
Tôi nghĩ việc nâng số đại biểu chuyên trách lên cao hơn như thế cũng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Muốn nâng cao chất lượng đại biểu thì phải nâng cao phần trăm số người ứng cử trong Quốc hội. Chứ nếu không có tài mà ngồi ghế đó thì ăn theo nói leo, nói hùa theo người khác, mất đi vai trò là đại diện của nhân dân trong nghị trường. Nói vậy để thấy mỗi đại biểu phải tự thấy mình là đại biểu chuyên trách, gánh trên vai trọng trách với dân, chứ không phải là cái ghế ngồi cho kín hội trường, không phải là “đòn bẩy” để làm các công việc khác.
Cũng có đại biểu cho rằng Quốc hội muốn gần dân, sát dân thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, cử tri, doanh nghiệp, ông có thấy thế?
Tôi nghĩ đó là một quy trình ngược. Đại biểu là do cử tri lựa chọn ra, đã phải là những người sống cùng, ăn cùng, ở cùng với cử tri rồi. Và những người như thế thì mới xứng đáng là đại biểu Quốc hội. Đâu phải trở thành đại biểu Quốc hội rồi thì mới làm điều đó.
Rồi có một thực trạng là đại biểu Quốc hội phản ánh nguyện vọng của cử tri, thế nhưng nếu chỉ phán ánh đơn thuần, nói đơn thuần thôi, không đi đến một nghị quyết, một quy định nào đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của người dân thì cũng vô nghĩa. Nhiều người phản ánh chỉ để nói cho vui, thậm chí là nói trong nghị trường cũng chỉ nói cho vui thôi. Cái mà cử tri quan tâm là kết quả cuối cùng, chứ không phải chỉ là những câu nói cho vui vẻ, nói để ghi điểm đó.
Rõ ràng sức sống trong nghị trường nằm ở mối quan hệ đại biểu với cử tri đúng không ạ?
Vấn đề không phải là đại biểu nói được bao nhiêu, phản ánh được bao nhiêu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân mà là quyết được bao nhiêu nguyện vọng của nhân dân. Mấu chốt là những việc làm thiết thực, cụ thể. Chứ còn đại biểu đi họp có xe ô tô, máy lạnh, có chế độ của Nhà nước mà không làm gì có hiệu quả, chỉ nói dăm câu ba điều để làm đẹp hội trường thì Quốc hội sẽ không thể hoạt động hiệu quả được. Đại biểu Quốc hội bắt buộc phải là những người xuất phát từ nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người dân, dám đấu tranh vì mục tiêu đó.
Xin cảm ơn ông!
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), phần lớn công việc của Quốc hội đều do đại biểu Quốc hội chuyên trách thực hiện, còn các đại biểu khác chỉ tham gia ở mức độ nhất định. Quốc hội có 50% là đại biểu chuyên trách thì chúng ta có khoảng 250 đại biểu chuyên trách. Nếu công tác chọn lựa tốt thì chỉ cần một nửa số đại biểu Quốc hội mỗi năm tham gia giám sát đến cùng một vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài thì cả nước có đến 250 vụ oan sai được giải quyết, chắc rằng cảnh “con ong, cái kiến kêu gì được oan” mà Nguyễn Du than thở sẽ vắng hẳn trong đời sống hiện nay.
Tô Hội (Thực hiện)