“Ngưu tầm ngưu”
Từng có chồng và 2 con gái ở xã Thanh Hòa, H. Cai Lậy, Tiền Giang, song vì mâu thuẫn và chán cuộc sống ruộng đồng quê nghèo mà năm 2012 Trần Thị Ngọc Hương (1966, trú Cai Lậy) ly hôn chồng, bỏ con rồi phiêu dạt lên TPHCM với mong muốn đổi đời. Nơi đô thị đông đúc còn nhiều bỡ ngỡ, chưa biết xoay tính thế nào thì Hương vô tình gặp Nguyễn Thị Ánh (1968, trú Q. Bình Thạnh, TPHCM). Ánh là “thổ địa” nên Hương coi như là có chỗ bấu víu, chia sẻ. Trong khi đó, Ánh mới ra tù, không có việc làm, sống dặt dẹo, cũng cần có người “tâm đầu ý hợp” để bầu bạn.
Nói thêm về Ánh, sinh ra trong gia đình đông anh em, bản thân không có nghề nghiệp, ở nhà làm nội trợ cho tới lúc lấy chồng. Có với nhau được 3 mặt con, Ánh cũng “chán” chồng, rồi ly dị vào năm 1996. Trở lại cuộc sống độc thân, Ánh có dịp tung hoành, sống thoải mái theo sở thích vốn bị kìm kẹp bấy lâu. Nhưng để có cuộc sống phóng khoáng thì cần có tiền trang trải, trong khi bản thân không có nghề nghiệp, điều tất yếu đẩy Ánh đến con đường tội lỗi. Với hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tháng 10-2008, Ánh bị TAND Tối cao tại TPHCM xét xử, tuyên phạt 7 năm tù, được đặc xá ra tù sớm hơn thời hạn vào cuối năm 2011.
Cả Ánh và Hương vốn có những tương đồng trong hoàn cảnh cũng như tính cách, vì thế sự gặp gỡ vô tình đã “gắn chặt” họ thành một cặp. Tất nhiên, không khó để đoán định được điều gì sẽ xảy ra với cặp nhi nữ vốn chẳng có nghề ngỗng và thu nhập ổn định.
Vụ lừa bán gỗ ảo chấn động
Dặt dẹo ở TPHCM, Hương và Ánh có quen biết Lê Bá Toàn (1974, trú Q.12), là tay chuyên “cò mồi”, môi giới với các thương nhân Trung Quốc để lừa đảo kiếm lời. Tuy nhiên, Toàn cũng kể cho Ánh và Hương nhiều vụ bị thương lái Trung Quốc lừa, không chi trả hoa hồng nên rất tức tối. Chỉ là chuyện kể của Toàn, nhưng cặp nhi nữ Ánh - Hương lại “tức lây”, bàn bạc cùng Toàn tìm cách lừa lại các thương lái Trung Quốc. Trong quá trình môi giới, mua bán gỗ trên địa bàn miền Trung, Toàn có quen biết với Đinh Văn Hiện (1974, trú Kim Môn, Hải Dương). Khi tới nhà Hiện chơi, Toàn thấy có con dấu của Cty May Ái Đông (TPHCM). Khi Toàn hỏi thì Hiện nói con dấu này của anh Châu Văn Đông (1971, trú Hóc Môn), nguyên Phó Giám đốc Cty này đã cầm cố cho Hiện để vay 80 triệu đồng nhưng không có tiền trả nên lẩn trốn, không lấy lại con dấu. Nghe vậy, Toàn bảo Hiện cất con dấu này, khi nào cần sẽ đem ra sử dụng.
|
Nguyễn Thị Ánh (trái) và Trần Thị Ngọc Hương bị bắt sau hơn 1 năm trốn chạy. |
Cuối năm 2013, Toàn liên lạc với Mai Văn Phon (1982, trú Đắc Lắc), người chuyên môi giới bán gỗ tại khu vực biên giới Việt – Lào, yêu cầu Phon tìm nguồn gỗ để mua. Phon cho biết mình đã tìm được nguồn, giá bán 112 triệu đồng/m3 gỗ cẩm lai, đã chụp ảnh gỗ và gửi cho Toàn xem. Sau khi biết đã có gỗ, Toàn báo cho Ánh để Ánh điện thoại cho Đặng Thị Kim dẫn khách hàng người Trung Quốc đến mua gỗ.
Toàn lấy con dấu chỗ Hiện và bàn với Ánh sẽ đổi tên mình thành Tuấn - Phó Giám đốc Cty May Ái Đông, để đề phòng bị phát hiện sau này. Xong xuôi, Ánh gọi điện yêu cầu Kim đưa khách hàng Pu Sheng Yong (1976, trú Thượng Hải, Trung Quốc) lên Kon Tum để giao dịch mua gỗ. Tại đây, Toàn giới thiệu mình là Nguyễn Đình Tuấn - Phó Giám đốc Cty May Ái Đông, có lô gỗ cẩm lai 120m3 đang để bên Lào, sẽ bán giá 94 triệu đồng/m3. Sau đó, Phom dẫn ông Pu Sheng Yong sang Lào xem gỗ và ông đồng ý mua. Toàn đã soạn sẵn hợp đồng đưa ông Pu Sheng Yong ký và nhận số tiền cọc 200 triệu đồng.
Đã lấy được 200 triệu đồng, nhưng Toàn thấy từng đó là ít quá nên nghĩ cách lừa tiếp. Thông qua mối quan hệ, biết tại Cty Thành Hà (Quảng Trị) có lô gỗ cẩm lai 203m3 nên Toàn đặt vấn đề với chị Lê Thị Ái Vân là sẽ mua lô gỗ đó, đòi xem giấy tờ, được chị Vân đồng ý. Sau đó Toàn thông qua Ánh để Ánh báo cho Kim và Kim thông báo cho ông Pu Sheng Yong biết có lô gỗ cẩm lai ở Quảng Trị, bán với giá 125 triệu đồng/m3.
Ông Pu Sheng Yong ra Quảng Trị xem gỗ, xem giấy tờ xong thì đồng ý mua lô gỗ trên. Thực chất lô gỗ này của chị Vân, nhưng Toàn đã lừa ông Pu Sheng Yong rằng mình đã mua số gỗ này, chỉ gửi ở kho của chị Vân. Việc ký kết hợp đồng mua lô gỗ trên giữa Toàn và ông Pu Sheng Yong diễn ra ở Đà Nẵng. Do không có sẵn tiền nên ông Phu Sheng Yong phải nhờ người quen ở TPHCM chuyển vào tài khoản 3 tỷ đồng để ông đặt cọc cho Toàn. Sau khi lấy được 3 tỷ đồng tiền cọc, Toàn trở về khách sạn ở Đà Nẵng và chia cho Phon, Hiện, Ánh, Hương và mình mỗi người 540 triệu đồng, còn những người liên quan khác mỗi người 100 triệu đồng. Chia tiền xong, các đối tượng cắt số điện thoại liên lạc và tứ tán mỗi người một phương.
Bị bắt vì… hết tiền
Trong khi Phom, Toàn, Hiện bị bắt khẩn cấp ngay sau đó không lâu thì Hương, Ánh bỏ trốn khỏi nơi cư trú, bị Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng ra quyết định truy nã loại đặc biệt trên toàn quốc ngày 15/4/2014. Xác định Hương và Ánh là đối tượng nguy hiểm cần phải truy bắt sớm, Phòng CSTNTP của CATP Đà Nẵng đã xác lập chuyên án, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ; đồng thời tung các trinh sát đi nhiều địa phương tìm manh mối của Ánh, Hương. Tuy vậy, với sự tinh quái, thủ đoạn, lại nắm tiền tỷ trong tay nên hành trình “vi vu” của cặp “ma nữ” lừa đảo. Ánh-Hương rất khó đoán định. Chúng “quấn” nhau như sam, cùng di chuyển qua nhiều địa phương, thay đổi chỗ ở liên tục và hầu như không liên lạc với người thân hay các mối quan hệ xã hội. Đặc biệt, với sự tinh quái vì từng có tiền án nên Ánh rất “nhạy” mỗi khi thấy có động tĩnh. Bằng cách thay đổi chỗ ở liên tục nên trong hơn 1 năm cặp “ma nữ” vẫn trốn tránh trót lọt mặc cho lực lượng truy nã truy tìm gắt gao.
Tuy nhiên, hành trình “du lịch” của chúng cũng đến lúc phải dừng lại khi nguồn tiền lừa đảo có được đã cạn kiệt. Đầu tháng 9/2015, khi cặp “ma nữ” trở lại TPHCM để móc nối các mối quan hệ, tìm kế sinh nhai thì đã bị các TS Phòng CSTNTP CATP Đà Nẵng lần ra tung tích và tiến hành bắt giữ. Như vậy hai đối tượng cuối cùng tham gia vụ lừa đảo chấn động dư luận Đà Nẵng đã bị bắt.
Theo Công An Đà Nằng