Sáng nay (27/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Theo đó Quốc hội đã thông qua 7 tôi danh thoát tử hình.
Sau nhiều lần thảo luận và lấy ý kiến nhân dân, Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua, bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh: Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người, tội phạm chiến tranh;Vận chuyển trái phép chất ma túy.
|
Tội tham nhũng được loại ra khỏi nhóm 7 tội danh không bị tử hình. ảnh minh họa: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Theo báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày, trong số các tội danh nói trên một số vị Đại biểu Quốc hội không tán thành hoặc đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình với “Tội cướp tài sản” và “Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Đối với Tội cướp tài sản, nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị xử lý về “Tội cướp tài sản” và “Tội giết người” – hình phạt tử hình.
Đối với “Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì việc quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân cũng là nghiêm khắc và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.
Trường hợp phạm tội có mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114). Nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội khủng bố” (Điều 299).
Được phép nghe lén điện thoại để điều tra tham nhũng, chống khủng bố
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua sáng nay, cho phép áp dụng các biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Theo đó, luật quy định sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Các biện pháp này có thể được áp dụng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Trường hợp vụ án đang được thụ lý, điều tra ở cấp huyện, cấp khu vực thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, cấp khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.
Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Lưu ý, quyết định trên phải được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.
Luật quy định, thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.
Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết
Theo GDVN