Cách đây khoảng vài năm, ở quê tôi có một vị cán bộ chức tước cũng cỡ trưởng phòng cấp huyện, được dân tặng cho cái biệt danh “cá rô phi”. Hôm nghe ông tổ trưởng dân phố gọi thế, tôi ngạc nhiên hỏi lại nguyên do. Ông tổ trưởng giải thích ngắn gọn: Vì lão ta ăn tạp, không từ một thứ gì.
À ra thế! Cứ nghĩ dân không biết gì, ai dè họ tinh đời lắm! Chuyện ông trưởng phòng tham lam ăn tạp, dư luận ai cũng tường, nhưng “tặng” cho cái biệt danh là “cá rô phi” thì chỉ có dân mới thâm thúy đến thế.
Bây giờ nghĩ lại, bỗng thấy rùng mình. Giờ không chỉ một con rô phi mà cả một bầy rô phi nhung nhúc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì gọi là “một bầy sâu”. Một bầy sâu hay một bầy rô phi – đều là lũ ăn tàn phá hại – núi non cũng sạt chứ nói gì đến tài sản quốc gia.
Ngay mới hôm qua hôm kia đây thôi, chuyện “ăn tạp” của hai ông quan be bé ở Thanh Chương (Nghệ An) vừa bị dư luận và báo chí phanh phui là một thí dụ.
Hai vị đều là lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương, cơ quan có chức năng “tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường đồng thuận trong xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”.
Nhưng hãy xem cái cách mà các vị ấy bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân. Hai vị đã “tuyên truyền vận động” bằng cách “thuyết phục” chị Nguyễn Thị Vinh (một dân nghèo ở xã Thanh Yên) chung chi 5 triệu để được nhận 20 triệu đồng tiền nhà nước hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm.
Mọi việc sẽ rơi vào im lặng nếu như dư luận và báo chí không lên tiếng, còn các vị thì vẫn cứ ung dung là những công bộc dân mẫn cán. Khi vụ việc “lộ” ra, các vị công bộc đáng kính ấy cũng chỉ bị đề nghị kỉ luật Đảng ở mức cảnh cáo và cho thôi chức. Kể ra, hai ông này cũng kém phần may mắn, vì khối kẻ “ăn dày” hơn mà chẳng hề hấn gì.
|
Bỏ án tử rồi dám chắc tham nhũng lại nở rộ như nấm sau cơn mưa, như ghẻ đột biến gen |
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã chỉ ra một cách thẳng thắn: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.
Những con sâu bự, những con cá rô phi đại chang ấy được che chắn bằng những chiếc bình phong “liêm khiết trong sạch”, thấy đó nhưng không dễ gì lột mặt nạ chúng được.
Vậy mà, trong kì họp Quốc hội kì này, có đại biểu lại còn tha thiết “vì nhân đạo” mà lên tiếng đòi bỏ án tử đối với tội tham nhũng để tạo điều kiện cho những kẻ đục khoét công qũy, ăn chặn tiền dân được sống mà “ăn năn hối cải”. Kiếm vài ba trăm tỉ, chấp nhận án tù vài chục năm, vào tù chỉ cần ngoãn ngoãn chấp hành tốt, án sẽ được giảm còn dăm ba năm.
Sướng thật. Đời cứ thế mà ung dung hưởng thụ bởi có tịch thu tài sản thì giỏi lắm nhà nước cũng chỉ lấy lại được phần nào bởi tất cả đều đã được tẩu tán, hợp thức hóa bằng cách cho vợ con cháu chắt đứng tên hết rồi.
Khi nghe đại biểu Quốc hội lên tiếng đòi bỏ án tử đối với tội tham nhũng, dư luận không khỏi lo lắng. Bởi hiện tại đang dùng án tử mà tham nhũng vẫn còn giỡn mặt, mặc sức hoành hành dù công cuộc chống tham nhũng có vẻ rất quyết liệt, còn sau này bỏ án tử rồi dám chắc tham nhũng lại nở rộ như nấm sau cơn mưa, như ghẻ đột biến gen.
Trước ý kiến “dị thường” này, bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng phải kêu lên: “Bỏ tử hình là nương tay với quan tham nhũng!”. Chỉ có những kẻ tham nhũng chưa lộ mặt là cười nụ, hả hê chuẩn bị cho một quy trình đục khoét mới mà không còn phải e sợ điều gì.
Tham nhũng như giặc ngoại xâm. Sẽ ra sao nếu đối mặt với kẻ thù mà run tay súng?
Nguyễn Duy Xuân