Ông có dáng dấp của vị tiến sĩ già, có khi trông rất nghệ sĩ. Ông là Nguyễn Trường Sơn - chuyên viên nghiên cứu về động vật rừng thuộc Phân viện Bảo vệ rừng bền vững và Cấp chứng chỉ rừng (Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam). Ông cũng là chủ quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Ngà voi hơn 21.000 năm tuổi
Ông Sơn nói, chiếc ngà voi cổ hóa thạch ông đang giữ vốn là của cha ông – nghệ nhân tạo hình động thực vật, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Nam, năm nay gần tuổi 80. Khoảng trước năm 1975, ông Sơn được cha tặng lại như món đồ thừa kế trong gia đình.
|
“Báu vật” 2 triệu USD?. |
“Hồi xưa, cha tôi thường về các buôn làng chụp ảnh, cùng ăn, cùng ở với dân nên được bà con rất yêu mến. Trong một chuyến đi về vùng núi Chư A Thai (thuộc huyện Phú Thiện - cách núi lửa Hàm Rồng, Gia Lai khoảng 30km đường chim bay, nơi đây cũng nổi tiếng phát hiện nhiều cây gỗ hóa thạch hàng đầu cả nước-PV ), cha tôi được một già làng ở đây cho 4 khúc ngà voi hóa thạch”, ông Sơn nói.
Sau nhiều năm “im lặng”, gần đây, ông mới công bố rộng rãi về chiếc ngà hóa thạch gồm 4 khúc, dài 1,26m, nặng 24kg. Năm 2010, chiếc ngà voi hóa thạch được Viện Đá quý – Trang sức tại Hà Nội cấp chứng thư kiểm định đá quý. Sau đó, ông tiếp tục mang đi Viện Khảo cổ học để phân tích, xác định niên đại. Kết quả phân tích C14 (đo phóng xạ carbon 14, theo hiệu chuẩn quốc tế INT-98) cho thấy, chiếc ngà voi hóa thạch có niên đại hơn 19.450 năm trước Công nguyên, với độ tin cậy trên 95%. Tính tới thời điểm hiện tại, chiếc ngà này đã được hơn 21.000 năm.
Ông Sơn nói: “Đây là chiếc ngà voi độc nhất vô nhị trên thế giới. Vì trên ngà có rất nhiều thủy tinh nham thạch màu trắng, xanh, vàng, đỏ… như mè rắc, bám sâu vào chiếc ngà lóng lánh rất đẹp và có tính nghệ thuật cao. Qua chiếc ngà voi này cũng có thể xác định được một giai đoạn lịch sử, nên có thể xem là báu vật”. Căn cứ ba tiêu chí cơ bản để xác định báu vật (tính độc bản, độc đáo và có giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước) có thể nói chiếc ngà voi này là báu vật, ông nói.
|
Ngà voi phục dựng dài 2,94m. |
Nhiều người hay tin đã tìm đến ông ngã giá. Có thương gia đặt vấn đề muốn làm chủ chiếc ngà với mức giá 2 triệu USD. Có người ngỏ ý hợp tác với ông đưa chiếc ngà voi ra nước ngoài triển lãm, lợi nhuận chia 50-50 hoặc đưa đi bán giá cao, nhưng đều bị ông từ chối. Ông chỉ muốn dùng 4 khúc ngà voi này để nghiên cứu, phục vụ khoa học.
Bí mật ký gửi
Sau khi hàng loạt thông tin gây sốc dư luận về chiếc ngà voi trị giá 2 triệu USD lan truyền, Pleiku (nơi ông Sơn sống trước đây) xôn xao. Từ người vô danh, ông Sơn “ngà voi” bỗng trở nên nổi tiếng, ngay cả việc đi ăn sáng cũng bị nhiều người dòm ngó, xì xầm. “Có thời gian tôi đi công tác ở Đắk Lắk, nhiều người còn đồn tôi đã bán chiếc ngà voi tiền tỷ rồi bỏ ra nước ngoài sinh sống. Lúc thấy tôi trở về ai cũng ngạc nhiên, dò hỏi. Cuộc sống gia đình ít nhiều cũng bị xáo trộn”, ông Sơn nói.
Khi chúng tôi đề nghị được xem ngà voi, ông Sơn nói: “Bản thân tôi giữ lấy thì nó không an toàn, nên phải ký gửi ở một nơi khác và họ cũng yêu cầu tôi giữ bí mật để có lợi cho đôi bên. Để xuất ra, tôi phải làm hợp đồng, ghi đầy đủ thông tin thì mới đưa ngà voi ra được ”.
Để chắc chắn hơn về quyền sở hữu, mới đây, ông Sơn đến Sở VH-TT&DL Gia Lai đăng ký giấy chứng nhận ngà voi hóa thạch mang tên Nguyễn Trường Sơn. Lúc đăng ký, ông chỉ mang theo các giấy tờ, chứng nhận liên quan ngà voi hóa thạch, không dám mang hiện vật ra đường. Ông bảo, mang ngà voi ra đường rất nguy hiểm, không thể lường trước chuyện gì sẽ xảy ra.
|
Phục dựng ngà voi hóa thạch. |
Ông Sơn kể, năm lên 10 tuổi, ông được cha dẫn đi qua Đắk Lắk để mua voi bán cho các buôn làng dùng làm phương tiện kéo gỗ, thồ hàng và phục vụ đi lại.
Xuất thân trong gia đình có nghề thuộc da thú gia truyền, nên từ nhỏ ông Sơn đã tiếp cận với nghề. Đến nay, ông là người kế thừa đời thứ 3 và con trai ông là đời thứ 4. Chính nghề gia truyền này đã phục vụ đắc lực cho ông trong công tác chuyên môn. Ông từng đi Đặc khu Côn Đảo, cộng tác với Hội Mỹ thuật TPHCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam… làm phục dựng tiêu bản về các loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, để phục vụ công tác tuyên truyền bảo vệ động vật và trưng bày, triển lãm. Các loài động vật quý như công, voọc xám bạc, voọc ngũ sắc, hổ, báo, cá sấu… đều được ông phục dựng thành công, nhìn sống động như thật.
Biết tiếng, nhiều trường như: Đại học Tây Nguyên, Lâm nghiệp Đồng Nai, Lâm nghiệp Xuân Mai và Trung cấp Lâm nghiệp Gia Lai đã mời ông phục dựng các tiêu bản về động vật làm mô hình phục vụ công tác giảng dạy. Ông nói, đã làm trên 1.000 tiêu bản khác nhau về các loài động thực vật. “Khi làm các tiêu bản, khó nhất là công đoạn ướp và tạo hình. Các tiêu bản phải đảm bảo độ bền, lông không bị rụng và quan trọng nhất vẫn là tạo hình cho con vật trông sống động như nó đang còn sống.
Sắp tới, tôi sẽ xây dựng tiếp 10 tiêu bản mới cho Phân viện. Cách đây mấy chục năm, tôi đã làm các tiêu bản để tuyên truyền, bảo vệ nhưng đến nay tình trạng các loài động vật mất dần vẫn chưa ngăn được. Năm 2001, tôi đã được Bộ NN&PTNT trao tặng huy chương vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Có thể biết thời gian núi lửa ngừng hoạt động?
Theo tìm hiểu và nghiên cứu của ông Sơn, chiếc ngà voi hóa thạch thuộc thời kỳ cuối của kỷ băng giá. Đây không phải là loài voi ma mút, mà thuộc loài voi cổ đại Palaeoloxodon, có ngà thẳng đã tuyệt chủng. Qua thiết bị chuyên dụng, ông đã đếm được trên ngà có 47 vòng tương đương với độ tuổi 47 – một con voi vừa trưởng thành. “Có khả năng con voi này bị chết khi núi lửa phun trào, nham thạch đã vùi lấp con voi. Hiện tại, chiếc ngà voi vẫn còn dấu hiệu bị ám khói và nhiều thủy tinh nham thạch bám sâu vào ngà”, ông Sơn phân tích.
Để đi sâu nghiên cứu, ông Sơn cùng 2 cộng sự ở Phân viện đo đạc để phục dựng thành công chiếc ngà voi sau gần 2 tháng. Từ phần còn lại của chiếc ngà dài 1,26m, ông đã xác lập được nguyên trạng chiếc ngà với tổng chiều dài 2,94m, nặng hơn 57kg, đường kính gốc ngà 29cm bằng chất liệu chủ yếu là thạch cao.
|
Thủy tinh nham thạch đủ màu bám lên ngà voi. |
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành phục dựng hộp sọ thông qua các tài liệu nghiên cứu và qua khảo sát đàn voi nhà ở Buôn Đôn. Từ cơ sở này có thể tính toán ra chiều cao, cân nặng của voi cổ đại để phục dựng con voi. Khả năng loài voi cổ đại này lớn gấp 2 lần so với voi hiện đại ở Việt Nam”, ông Sơn nói.
Theo ông, việc núi lửa Hàm Rồng ở Gia Lai (ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển) ngừng hoạt động lần cuối cùng vào thời gian nào, bao lâu đến nay vẫn chưa ai biết. Nhưng qua chiếc ngà voi này, dựa vào các thủy tinh nham thạch trong bụng núi lửa phun trào bám vào ngà voi, hoàn toàn có cơ sở xác định núi lửa ngừng hoạt động đã bao lâu.
“Vấn đề này cần phải được lý giải, nhưng riêng mình tôi thì cầm cán không nổi. Tôi mong rằng, các nhà khoa học sẽ cùng với tôi nghiên cứu những bí ẩn còn ẩn chứa bên trong chiếc ngà voi này. Qua đó, có thể đi sâu nghiên cứu về loài voi cổ đại ở Việt Nam và tìm ra các giải pháp bảo tồn loài voi hiện đại trước nguy cơ biến mất”, ông Sơn trăn trở.
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Gia Lai, cho biết, Sở chỉ xác nhận ông Sơn đang giữ chiếc ngà voi hóa thạch theo luật, còn về giá trị thì chưa thể đánh giá được, vấn đề này cần có ý kiến của các cơ quan chuyên môn về khảo cổ, địa chất học. Viện Khảo cổ chỉ mới xác định về niên đại, chưa nói gì về giá trị. Thông tin về chiếc ngà voi trị giá 2 triệu USD chưa rõ ai là người định giá. Và việc hiện vật này có được tìm thấy tại núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện hay không cũng chưa có cơ quan chức năng nào xác nhận.
Theo Tiền Phong