Chuông đá có vàng
Chiếc chuông đá được anh Hoàng Thành sưu tập cách đây mấy năm, khi đó, anh tìm tại vùng rừng núi Đăk Nông được hai viên đá hình trụ, nặng đến cả tấn, anh dự định đem về để trang trí ở trước cổng nhà. Hôm làm cổng nhà cũng là lúc bầu trời trong xanh, nắng vàng, gió mát, khi anh dùng cần cẩu nhấc viên đá lên thì vô tình một sợi xích va đập vào đá khiến nó phát ra tiếng kêu như chuông, vang xa khiến anh và nhiều người thợ xây dựng vô cùng ngạc nhiên. Anh tiếp tục treo hòn đá lơ lửng trên không trung rồi dùng một hòn đá khác để gõ cho vui rồi quyết định hạ hòn đá từ cần cẩu xuống cất vào nhà, không làm cổng nữa.
Hôm hòn đá lạ phát ra tiếng kêu như chuông đã khiến cho người dân xung quanh rất tò mò, nhiều người kéo đến xem chuông đá và tỏ ra rất ngạc nhiên vì từ trước đến nay, chưa có một hiện vật cổ nào như thế được phát hiện, trong văn hóa Tây Nguyên cũng chỉ thấy nhiều người nhắc đến đàn đá chứ không hề nhắc đến nhạc cụ nào tên là chuông đá.
|
Chuông đá được anh Thành treo ở một góc vườn, cạnh ngôi nhà dài của người Ê Đê để du khách đến chiêm ngưỡng. |
Theo anh Hoàng Thành, chuông đá ở gia đình anh chỉ là một hòn đá tự nhiên, chứ không phải là cổ vật của người xưa. Chính vì thế, cách đây ít lâu anh đã đặt chuông đá lên hai cột đá hình trụ khác ở ngoài vườn, cạnh ngôi nhà truyền thống của người Ê Đê để người dân các nơi đến chơi có dịp chiêm ngưỡng.
Anh Hoàng Thành dẫn chúng tôi đến bên chiếc chuông đá kỳ lạ giữa lúc mặt trời vừa lên cao, những tia nắng vàng xuyên qua tán lá cây xuống chuông đá, những vảy vàng được ánh mặt trời phản chiếu óng ánh, anh Thành bảo: "Vàng ở chiếc chuông đá này thuộc loại vàng sa khoáng chứ không phải vàng gốc, khi trời nắng, những vảy vàng phản sắc óng ánh trông rất đẹp mắt. Có thể việc hòn đá phát ra âm thanh như chuông có liên quan đến những vảy vàng bám trong đá".
Điểm đặc biệt khác của chuông đá so với những hòn đá khác đó là mềm, xốp chứ không rắn chắc. Có thể cấu trúc này của đá cũng tạo ra những dạng truyền động âm thanh phức tạp khiến nó có thể phát ra tiếng kêu kỳ lạ.
|
Chuông đá bám rất nhiều vàng sa khoáng khiến nó trở nên lấp lánh khi có ánh sáng mặt trời chiếu xuống. |
Không bán
Đã nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, địa chất và cổ sinh địa tầng đến nhà anh Thành tìm hiểu, nghiên cứu về những cổ vật và chuông đá kỳ lạ, tuy nhiên việc lý giải nó chỉ dừng lại ở mức phỏng đoán chứ chưa thể đưa ra kết luận chính thức.
Theo anh Thành thì nếu so sánh chuông đá với đàn đá Tây Nguyên có thể thấy cơ chế truyền phát âm thanh của hai vật này là hoàn toàn khác nhau. Khác ở chỗ đàn đá là những thanh đá rắn chắc, có dài có ngắn và có thể phát ra âm thanh khác nhau. Sau này, các nhà nghiên cứu đã sắp xếp trật tự các thanh đá trong bộ đàn theo trật tự các nốt đồ, rê, mi, pha, son... để tiện cho việc thực hành âm nhạc.
Riêng với chuông đá thì chỉ có một khối đá duy nhất nhưng có thể phát ra tiếng vang, tiếng trầm hoặc có thể không phát ra âm thanh (phụ thuộc thời tiết). Điều này cho thấy cơ chế truyền phát âm thanh của chuông đá vô cùng phức tạp. Có thể mấu chốt của việc truyền phát âm thanh này nằm ở cấu trúc đá và cấu trúc các kim loại như vàng nằm lẫn trong đá. Giả thiết rằng, khi ánh nắng mặt trời chiếu xuống thì ánh sáng, nhiệt độ có thể làm cho các cấu trúc đá có sự giãn nở hoặc thay đổi, khi con người dùng vật nào đó đập vào hòn đá, ngay lập tức, những âm thanh này được lan truyền theo các cấu trúc đá, có lẽ vì thế mà tiếng chuông ngân vang khi trời nắng...
|
Lúc trời nắng chuông đá kêu vang còn trời mưa hoặc lạnh giá thì đá không thể phát ra tiếng kêu. |
Còn khi trời lạnh hoặc trời mưa thì nhiệt độ thấp làm cho cấu trúc đá không thể giãn nở ra được, mặt khác, nước mưa ngấm vào đá có thể cũng làm thay đổi cấu trúc bên trong của khối đá, điều này khiến nó không thể phát ra âm thanh khi mùa đông, hoặc trời mưa.
Từ khi đem hòn đá chuông kỳ lạ về nhà, đã có nhiều người từ khắp nơi đến gia đình anh Thành thăm thú, hỏi mua lại chuông đá và những cổ vật hàng triệu năm mà anh đang sở hữu.
Thế nhưng, anh Hoàng Thành cho biết: "Ngoài việc bán 11 tấn cổ vật Amomoid cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu khoa học tôi không thể bán chuông đá. Nói không bán bởi vì vật này có sức cuốn hút mãnh liệt đối với riêng bản thân tôi, nó là thứ trời ban cho mình thì không có lý do gì để bán đi. Trước đây cũng có người đến ra giá hàng tỷ đồng (vì trong khối đá có chứa cả vàng sa khoáng) nhưng điều đó không làm thay đổi ý chí bán cổ vật. Tôi treo nó trong vườn để anh em bạn bè thân hữu và viễn khách có dịp qua chơi ngắm nhìn cho thỏa sự tò mò, thú vị".
"Tôi chỉ hiến tặng những cổ vật có trong nhà cho các viện nghiên cứu, bảo tàng phục vụ khoa học chứ không bán nó ra ngoài. Là người đi tìm những cổ vật lạ này trên 20 năm nên biết rõ là những cổ vật này hiện rất khó tìm nếu không muốn nói là đã hết, vì phạm vi phân bố và mật độ của nó rất thưa thớt, nếu bán hết đi sau này sẽ không còn cơ sở nào để cho khoa học nghiên cứu nữa, nhất là khi đây lại là những thứ tinh túy, là hồn cốt của mảnh đất Tây Nguyên".
Anh Hoàng Thành
Trần Dương