Như Kiến Thức đã phản ánh, gần đây rất nhiều người dân ở Trâu Qùy, Gia Lâm, Hà Nội liên tục kêu ca về tình trạng một số hộ trồng cây giống, đặc biệt là mấy hộ trồng táo, hoa cải nơi đây sử dụng thuốc trừ sâu, trừ rầy độc hại rồi vô tư vứt vỏ xuống mương nước, trên cánh đồng. Những vỏ thuốc này vẫn còn dính thuốc trừ sâu, khiến người dân đi qua cánh đồng cải Gia Lâm phải nhăn mặt bởi mùi thuốc bốc lên nồng nặc, rất đáng sợ, nhất là trong những ngày nắng. Mùi thuốc sâu còn khiến nhiều người buồn nôn, sây sẩm mặt mày.
Mọi sinh vật sống xung quanh đều bị ảnh hưởng
Điều khiến người dân sống xung quanh và cả các bạn trẻ đến chụp ảnh ở cánh đồng hoa cải Gia Lâm lo lắng là, liệu những chai lọ, vỏ thuốc trừ sâu rầy bị vứt bừa ra môi trường như thế có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không?
|
Vỏ thuốc trừ sâu, rầy mà người dân vứt nổi lềnh bềnh khắp các mương nước xung quanh cánh đồng cải. |
Trao đổi về điều này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ và Thực phẩm sinh học, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Đa số các loại thuốc hóa chất bảo vệ thực vật đều rất độc hại. Việc sử dụng xong thuốc rồi vô tư vứt ra môi trường là rất nguy hiểm, đặc biệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân sống xung quanh".
"Mặt khác, nếu bên trong những vỏ chai, lọ thuốc sâu còn đọng lại thuốc thì nó sẽ dần dần rỉ ra ngoài, thấm vào lòng đất hoặc xuống nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường. Điều này khiến mọi sinh vật sống ở khu vực đó hoặc khu vực lân cận phải hứng chịu hậu quả, thậm chí là cả chết chóc".
Theo TS Thịnh, hiện nay tình trạng người dân sử dụng thuốc trừ sâu rồi vứt luôn vỏ, lọ ra môi trường phổ biến ở nhiều nơi chứ không riêng gì ở Gia Lâm, trong khi chính quyền địa phương không hề có biện pháp xử lý cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng này.
"Tôi cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, tất các các loại thuốc bảo vệ thực vật đều rất độc hại (tùy theo dung lượng) nên bà con khi sử dụng hãy cố gắng sử dụng các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với thuốc như dùng găng tay, khẩu trang, áo mưa, và thu gom vỏ, lọ thuốc, bỏ theo đúng nơi quy định để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và cả người khác".
Các nghiên cứu khoa học đều cho thấy, việc tiếp xúc lâu với các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây rối loạn tim, phổi, thần kinh, gây các triệu chứng về máu, các bệnh ngoài da. Người ăn phải rau, quả dính thuốc trừ sâu có thể ngộ độc tức thời dẫn đến cái chết, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ, ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh, gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất. Nhiều loại thuốc rất khó phân hủy, khi đi vào đất, nước và không khí sẽ gây hại lâu dài cho môi trường và sức khỏe con người.
Vô tư rửa rau ở mương nước có vỏ thuốc sâu
Trở lại cánh đồng cải. phóng viên nhận thấy tình trạng lọ thuốc trừ sâu, trừ rầy nằm la liệt trên mặt đất, mặt nước vẫn không thay đổi. Thậm chí dưới mương nước có bao bì thuốc trừ sâu, vẫn có người ngồi rửa rau để mang ra chợ bán.
|
Người dân vứt lọ thuốc trừ sâu ở khắp các bờ mương nước ngoài cánh đồng cải. |
Trả lời phóng viên, một phụ nữ trồng cải ở đây phân bua rằng, thuốc bảo vệ thực vật chỉ được phun khi hoa cải và cây giống còn non, còn khi cải trổ bông vàng và cây táo ra quả thì ít sử dụng thuốc nên "không ảnh hưởng lắm đến sức khỏe của người đến tham quan, chụp ảnh".
Còn về vấn đề vỏ thuốc rải đầy môi trường xung quanh, người phụ nữ biện minh rằng chị cho vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật vào túi nylon rồi mới vứt nên cũng không sợ ô nhiễm. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, phần lớn vỏ thuốc sâu, thuốc rầy bị vứt thẳng ra đất hay mương nước chứ không nằm trong túi, đó là chưa kể bản thân túi nylon cũng là thứ độc hại với môi trường.
|
Nhiều lọ nước nổi lềnh bềnh trên mặt nước. |
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Lục, Tổ trưởng tổ dân phố An Lạc, Trâu Qùy, Gia Lâm, nơi người dân phản ánh nhiều nhất, nói: “Có tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong rồi vứt bừa ra môi trường. Chúng tôi đã nhiều lần góp ý với bà con, đồng thời giao cho bên chi Hội phụ nữ phát động phong trào thu gom lọ nhựa, vỏ bao
thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định và có biện pháp xử lý, hạn chế vứt ra môi trường”.
|
Một số lọ thuốc trừ sâu mà người dân vứt ra cánh đồng cải đã lâu. |
Theo ông Lục, chính quyền An Lạc đã nhiều lần kêu gọi nhân dân không vứt chai lọ
thuốc trừ sâu, vỏ thuốc trừ rầy ra môi trường xung quanh nữa nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ thói quen này, làm tiếp diễn tình trạng vỏ thuốc trừ sâu nằm la liệt trên các
cánh đồng hoa cải.
“Ý thức của người dân còn thiếu, chưa được nâng cao. Nếu bản thân mỗi người dân có ý thức hơn trong vấn đề này thì tình trạng nêu trên sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Lục nói.
M.Hưng - T. Ngoan