Theo Đông y, chứng huyết áp cao gọi là can dương thượng can liên quan đến thận dương quá vượng (nội nhân) kết hợp với phong tà ở ngoài, nóng lạnh đột ngột, mạch co giãn, hoặc do hẹp động mạch chủ của thận gây cao huyết áp. Dưới nhãn quan của y học cổ truyền, chứng bệnh này có thể đẩy lùi.
Điều trị huyết áp thể thận dương hư
Tôi đến phòng khám của lương y Lê Xuân Hải, Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa (Hà Nội) vào một ngày nghỉ nhưng bệnh nhân phải ngồi hàng ghế chờ khá đông. Sau khi khám bệnh xong, ông lật hồ sơ bệnh án đã xếp theo vần A, B, C... rồi dừng lại ở vần D, tìm bệnh nhân Nguyễn Văn Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội).
Chia sẻ về bệnh nhân này, lương y Lê Xuân Hải cho hay, anh Dũng bị hoa mắt, chóng mặt, đầu choáng, đau lưng, chân tay lạnh, tiểu tiện không tự chủ, nhiều khi ướt quần mới biết, đi tiểu nhiều về đêm. Anh Dũng nghĩ mình bị bệnh u phì tuyến tiền liệt mà người trung tuổi hay mắc, nên đã chữa trị nhiều về bệnh u phì mà không khỏi, rồi lại nghĩ bị viêm đường tiết niệu, cũng tự uống thuốc không giảm. Chỉ khi anh đã đi siêu âm, làm xét nghiệm thì bác sĩ kết luận không mắc u phì mà bị chứng cao huyết áp. Anh Dũng về uống thuốc đều đặn theo đơn bác sĩ, nhưng huyết áp không ổn định, lúc cao tới 200/90, lúc lại giảm xuống 90/60 khiến người lúc nào cũng mệt mỏi...
Sau khi anh Dũng tới thăm khám tại phòng khám của lương y Lê Xuân Hải thì ông bắt mạch thấy mạch trầm huyền, hơi hoại, sắc mặt lúc đỏ, lúc tái... Nguyên nhân chủ yếu theo y học cổ truyền là huyết áp không ổn định theo thể thận dương hư. Anh Dũng được điều trị bài bát vị địa hoàng gia giảm sau 1 tháng các chứng bệnh trên không còn, đặc biệt là chứng tiểu mất tự chủ đã khỏi, giờ đây anh lại yên tâm lao động...
|
Ảnh minh họa. |
4 thể huyết áp cao
Trao đổi về chứng huyết áp cao, lương y Lê Xuân Hải cho biết, theo y học cổ truyền thì huyết áp cao được chia làm 4 thể chính. Thể khí huyết trệ, chân tay sẽ tê, đau đầu, do thể chất người bệnh bị hư yếu, liên quan đến một số bệnh như mỡ máu cao, axit uric cao. Chứng bệnh này điều trị vừa phải thông huyết, vừa phải hành huyết với bài thuốc như ngưu tất, đan sâm, huyết giáp, sinh địa...
Với thể can thận âm hư, biểu hiện chóng mặt, ù tai, hoa mắt, hồi hộp, tim đập nhanh, đau lưng, mồ hôi trộm, chủ yếu phải bổ thận âm, theo bài cổ phương gồm thục địa, hoài sơn, sơn trù, trạch tả... Thể can dương thượng can có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, đỏ mặt, tai ù, đắng miệng, mất ngủ, hay bực bội. Theo cổ phương có thể dùng kiên ma, câu đằng, ích mẫu, thạch huyết minh, ngưu tất, đỗ trọng...
Với thể thận dương hư biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đại tiển lỏng, đi tiểu nhiều về đêm, lưng gối lạnh, đau, dùng bài bát vị địa hoàn gia giảm gồm thục địa, hoài sơn, đan bì, quế phụ, đỗ trọng.
Kết hợp uống thuốc và bấm huyệt
Theo lương y Lê Xuân Hải, để huyết áp ổn định lâu dài, người bệnh cần uống thuốc gia giảm theo thầy thuốc, cộng với việc tự bấm một số huyệt như sau: Hằng ngày người bệnh day huyệt thập tuyền xung quanh 10 đầu ngón tay, huyệt nội quan (từ lằn cổ tay vào đặt 3 ngón tay nằm ngang) và huyệt tam âm giao 2 bên chân (mắt cá trong chân, cách 3 ngón tay đặt ngang). Nếu bệnh nhân có đau đầu thì day huyệt bách hội (đỉnh đầu)...
Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc chữa cao huyết áp. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì vừa uống thuốc, vừa tập luyện thể dục, dưỡng sinh và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý thì huyết áp mới ổn định lâu dài.
Lương y Minh Phúc (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu)
Phạm Hằng