Kể từ khi bùng phát đến 12/10/2014, có 8.997 trường hợp được chẩn đoán nhiễm Ebola. Loại vi rút nguy hiểm này cướp đi sinh mạng của 4.493 bệnh nhân tập trung ở Guinea, Liberia, Nigeria, Senegal, Sierra Leone.
|
Không chỉ riêng Trung Quốc, các nhà khoa học Mỹ đang cố gắng thử nghiệm tính hiệu quả của thuốc ZMapp và TKM - Ebola trong điều trị Ebola.
|
Không chỉ riêng Trung Quốc, các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản cũng đang nỗ lực thử nghiệm tìm ra
thuốc đặc trị.
Loại thuốc Trung Quốc đang thử nghiệm có tên JK – 05. Trước đó, thuốc được chấp thuận sử dụng cho trường hợp khẩn cấp trong quân đội. JK – 05 vốn do Học viện Nghiên cứu Khoa học Quân Y (AMMS) hợp tác với Sihuan Pharmaceutical Holdings Group Ltd phát triển.
Che Fengsheng, chủ tịch Sihuan cho biết: Shiuan đang trình Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phê duyệt trước cuối năm nay. Sự kết hợp nghiêm túc giữa công ty và quân đội cho phép đẩy nhanh quá trình phê duyệt.
Theo Sihuan, JK – 05 được nghiên cứu suốt năm năm qua và mang lại dấu hiệu khả quan khi thử nghiệm trên chuột. Hiện thuốc chưa được thử nghiệm lâm sàng song công ty đang lên kế hoạch thử nghiệm trên bệnh nhân Ebola tại châu Phi.
Sihuan hiện là hãng dược phẩm lớn thứ ba
Trung Quốc, khởi đầu là một đơn vị khoa học quân sự, được tách ra vào năm 2001.
Việc tìm ra phương thuốc điều trị Ebola sẽ là thành tựu lớn trong nỗ lực chống dịch bệnh trên toàn cầu. Ngoài việc triển khai nghiên cứu tìm ra thuốc điều trị, Trung Quốc còn tích cực điều nhân viên y tế, tăng cường viện trợ cho người dân vùng tâm dịch.
Với Bắc Kinh, việc phản ứng nhanh chóng, chủ động trong nỗ lực ngăn ngừa Ebola là một phần kế hoạch mở rộng quan hệ hữu nghị, thể hiện "quyền lực mềm" ở các quốc gia châu Phi.
Hợp tác y tế từ lâu được xem là một phần quan trọng trong quan hệ Trung Quốc – châu Phi. Ngay từ những năm 1960, Bắc Kinh đã điều lượng lớn đội ngũ nhân viên y tế đến châu Phi nhằm hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân cũng như tham gia hướng dẫn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ địa phương.
Tuy nhiên, hợp tác y tế của Trung Quốc tại lục địa đen không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những năm gần đây, nhiều công ty dược phẩm Trung Quốc liên tục đối mặt với cáo buộc bán phá giá, cung cấp thuốc kém chất lượng ở thị trường này dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đô, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.
Dù vậy, các loại thuốc và phương pháp điều trị của Trung Quốc (bao gồm cả khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền như châm cứu) vẫn là lựa chọn phổ biến của người dân châu Phi. Việc phát triển loại thuốc có công năng đặc trị Ebola sẽ góp phần củng cố vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực y tế ở khu vực. Mang lại lợi ích to lớn cho ngành dược phẩm Trung Quốc vốn đang vật lộn tìm chỗ đứng trên thị trường.
Hải Yến