Trong đó, có bé T.A.C., 3 tuổi, bị biến chứng nặng, đã tử vong hôm 30 Tết và một trường hợp bệnh nhi 7 tháng tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội, cũng tử vong nghi do mắc sởi. Tuy nhiên, những ngày qua, số lượng trẻ mắc sởi phải nhập viện tiếp tục gia tăng và không chỉ ở 4 địa phương, mà đã lan rộng nhiều tỉnh.
Tại BV Nhi TW, ngoài bệnh nhân ở Hà Nội, còn có ở các tỉnh lân cận, như: Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương…
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ tháng 1/2014 đến nay, số trẻ mắc sởi ở Hà Nội nhập viện cũng tăng. Trong 40 ca sởi đã được phát hiện tại Hà Nội thì 40% chưa được tiêm vaccin sởi, 12,5% mới được tiêm 1 mũi trước 1 tuổi, còn lại chủ yếu là người lớn và không rõ tiền sử tiêm chủng. Số bệnh nhân mắc sởi là trẻ em dưới 5 tuổi chiếm khoảng 80%. Cũng theo ông Cảm, nguyên nhân của việc nhiều bệnh sởi gia tăng là do sự cố sau tiêm Quinvaxem khiến nhiều người lo lắng nên không cho trẻ đi tiêm chủng.
Ở TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân mắc sởi nhập viện thuộc nhiều lứa tuổi cũng tăng. Đây là điều đáng lưu ý, vì khoảng 5 năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh gần như không tiếp nhận trường hợp mắc bệnh sởi nào, thì nay số bệnh nhi mắc sởi lại tăng nhanh.
|
Nhiều trẻ phải nhập viện những ngày qua. |
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Dịch bệnh sởi đang có nguy cơ lan rộng và diễn biến phức tạp. Kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho thấy, sau 3 năm không có dịch, bệnh sởi xuất hiện trở lại từ cuối năm 2013: Tại Hà Nội, phân bố rải rác ở 36 phường của 9 quận (Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông). Bệnh sởi còn xảy ra ở nhiều tỉnh khác, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Cũng theo điều tra dịch tễ thì khoảng 80% bệnh nhân là chưa tiêm phòng. Bệnh xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vaccin sởi hay chưa từng mắc sởi.
PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo: Thời gian tới, các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ cao xuất hiện dịch, do giáp với Trung Quốc, là nước đang có dịch sốt phát ban nghi sởi lưu hành. Vấn đề tiêm phòng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và giao thông không thuận lợi. Điều tra nhanh các ca bệnh tại tỉnh Yên Bái cho thấy, chỉ có khoảng 20% được tiêm vaccin đầy đủ. Do đó, dịch có thể xuất hiện rải rác tại các tỉnh miền núi và các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã có công văn khẩn, yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường giám sát diễn biến của dịch; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm phát hiện sớm và tổ chức cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh. Các Sở Y tế phải báo cáo kịp thời và phản ánh đúng diễn biến tình hình dịch bệnh sởi, xác định nhóm đối tượng nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp khống chế, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm, hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccin sởi để triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm vaccin sởi bổ sung. Bộ Y tế cũng chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch, khống chế không để dịch bệnh lan rộng, sẵn sàng các phương án xử lý khi có dịch, tổ chức trực phòng chống dịch 24/24 giờ.
Theo CAND