Do “sự cố” vắc xin ở một số địa phương khác nên nhiều phụ huynh có sự “nhầm lẫn” và lo lắng về tiêm chủng mở rộng nên cứ ngỡ tiêm ngừa vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 là có cả sởi nên không cho con đi tiêm ngừa, kể cả khi con đã 9 tháng, thậm chí là 18 tháng.
Theo số liệu thống kê của bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, số lượng bệnh nhi mắc bệnh sởi trong tháng 1 vừa qua bằng tổng số bệnh nhân mắc năm 2013. Còn khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM tính đến ngày 11/2 thì số ca bệnh sởi tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh sởi nhập viện đa số là bệnh nặng như sốt cao, lừ đừ, viêm phổi…chưa kể số ca khám và điều trị ngoại trú.
|
Nhiều người lầm tưởng vắc xin 5 trong 1 có miến dịch kháng sởi |
BS.CK I Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, các trẻ bị bệnh mà khoa chúng tôi tiếp nhận có 3 đối tượng mắc bệnh. Một là chưa đến tuổi tiêm ngừa (dưới 9 tháng), hai là đến ngày tiêm ngừa thì bé bị ho, sốt, hoặc mắc bệnh khác và sau đó phụ huynh quên không cho bé đi tiêm ngừa và ba là phụ huynh không cho trẻ đi tiêm ngừa vì lo sợ thái quá. Trong đó, đáng ngại nhất đó là các trường hợp bé đến tuổi nhưng phụ huynh không cho đi tiêm ngừa. Trẻ được tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch thì có thể bảo vệ cơ thể được 95%, chỉ có một số ít không đáp ứng với vắc xin không tạo được kháng thể nên có thể bị bệnh.
Bên cạnh bệnh sởi thì bệnh sốt phát ban, thủy đậu cũng đang gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ đầu tháng 1 đến nay đã có 28 ca thủy đậu nhập viện và 1173 ca ngoại trú. Các chuyên gia khuyến cáo, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh truyền nhiễm do vi rút như sởi, thủy đậu, sốt phát ban do đó việc phát hiện và điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng bệnh là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc tiêm ngừa vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Theo ThS.BS Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự Phòng TP.HCM, để chủ động phòng ngừa sởi bùng phát trong thời gian tới, trung tâm đã có văn bản yêu cầu 24 Trung tâm Y tế Dự Phòng TP.HCM quận/huyện rà soát và tổ chức chiến dịch tiêm bù sởi: mũi 1 cho những trẻ trong độ tuổi 9-36 tháng nhưng chưa tiêm sởi và mũi 2 cho những trẻ trong độ tuổi 18 tháng - 3 tuổi nhưng chưa tiêm sởi mũi 2. Trong đó, phối hợp với phòng giáo dục quận huyện rà soát việc tiêm sởi của các trẻ trong tường mầm non, nhóm trẻ và đề nghị phụ huynh cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng ngừa sởi trước khi cho trẻ vào học để phòng bệnh cho trẻ và cộng đồng. Bên cạnh đó là tổ chức truyền thông để phụ huynh biết về tác hại của bệnh sởi và lợi ích của việc tiêm ngừa.
Tại Hà Nội, tính đến ngày 11/2 đã ghi nhận tổng cộng 181 ca sốt phát ban nghi sởi. Ông Nguyễn Nhật Cảm GĐ Trung Tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Dựa trên tính toán về lượng trẻ chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ 2 mũi, cộng thêm tỷ lệ 5-10% trẻ em đã tiêm phòng sởi đầy đủ nhưng vẫn có khả năng mắc bệnh, TTYTDP Hà Nội ước tính có khoảng 35.000-40.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn thành phố hiện đang nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh sởi.
Trả lời báo chí, ông Trần Đắc Phu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2013 cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Riêng tháng 01/2014, đã có 241 trường hợp mắc ở 24 tỉnh/thành phố, tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái. Đặc biệt, đã có 3 trường hợp tử vong, trong đó Hà Nội 1 và Yên bái là 2 bệnh nhân.
Nói về nguyên nhân dẫn đến dịch sởi quay trở lại, ông Phu cho biết, hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc chưa nhận được đủ số mũi tiêm: các tỉnh, thành phố có trên 30% số mắc chưa được tiêm vắc xin, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có trên 89% số mắc chưa được tiêm vắc xin sởi.
Hương Giang - Lê Phương