TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam, trả lời: Củ khỉ hay còn gọi là hồng bì núi, xi hắc, cút khí... là cây mọc hoang thành bụi ở những vùng núi đá như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Một số công dụng của củ khỉ được nhiều người dùng như sau: Trong dân gian chủ yếu thu hái củ khỉ lấy rễ và lá để làm thuốc, mùa thu hái gần như quanh năm. Trong lá, cành và quả của củ khỉ chứa tinh dầu, có màu vàng nhạt, có tác dụng trị cảm mạo. Toàn cây, nhất là lá và quả chứa tinh dầu 1,2-2% ở lá tươi, 5% ở lá khô, 6% ở quả khô, mà thành phần chính là isomenthon 51,9% và menthon 42,2%.
Trong Đông y, củ khỉ có vị đắng, hơi cay và mát, nhân dân thường dùng lá và rễ củ khỉ trong trường hợp cảm mạo, sốt rét, trừ thấp tiêu thũng, đau khớp, sai khớp. Ngày dùng 8 - 16g dưới dạng thuốc sắc. Hiện nay, củ khỉ còn dùng chế thành tinh dầu để dùng thuốc xoa cảm cúm, đau bụng. Lá củ khỉ có thể dùng làm thức ăn.
Mô tả về cây củ khỉ: Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ không lông, cao 3-7m, cành non màu tím đỏ, hay đen đen. Lá kép mọc so le, gồm 5-9 lá chét mọc so le hay mọc đối, mỏng, hơi cứng, hình trái xoan hay bầu dục, dài 3,5-5cm, rộng 1,7-3cm; gân phụ rất mảnh, 5-7 (10) cặp; có đốm nâu trên cả hai mặt; mép nguyên hoặc có răng cưa rất nhỏ; cuống phụ 4mm. Ngù hoa cao 4cm ở ngọn nhánh, không lông. Hoa có 4 lá đài, 4 cánh hoa kết hợp màu trắng; nhị 8, 5 dài, 3 ngắn, chỉ nhị dẹp; bầu không lông. Quả xoan, cao 8mm, khi chín màu đỏ.