|
Trong khổ qua có chất charantin giúp điều hòa đường huyết. |
Thực phẩm có 5 vị phổ biến là ngọt, mặn, chua, cay và đắng. Vị ngọt và mặn thường được dùng nhiều trong chế biến thực phẩm vì dễ hợp khẩu vị nhiều người. Nhưng những thực phẩm hơi khó ăn vì có vị đắng lại rất có ích cho sức khoẻ.
Lợi ích về mặt sức khoẻ: Những thực phẩm có vị đắng (khổ qua, nghệ vàng, nghệ đen, rau đắng...) có nhiều tác dụng như tạo cảm giác thèm ăn, điều hòa tiêu hóa, giúp kích thích hệ tiêu hóa tiết men phân giải thức ăn, điều hòa nhu động ruột như nghệ, chống táo bón như rau đắng, mướp đắng... Kích thích hệ thần kinh, giúp giảm căng thẳng và tỉnh táo (chất theobromine có trong ca cao hay caffein kích thích hệ thần kinh tỉnh táo, tập trung).
Một số thực phẩm có vị đắng chứa nhiều khoáng chất như mangan, đồng, canxi, magiê, sắt, phốt pho có tác dụng ngăn ngừa tăng huyết áp hay trong cà tím có chứa một số chất giúp điều hòa mỡ trong máu. Trong chocolate có nhiều chất giúp cải thiện tim mạch, giảm đột quỵ...
Trong khổ qua có chất charantin tác dụng tương tự như insulin, giúp điều hòa đường huyết, rất có ích cho bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh đó, thực phẩm có vị đắng chứa nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa mạnh như carotenoid, flavonoid (cải xoăn, cà tím, khổ qua...) nên có thể giúp phòng ngừa bệnh ung thư.
Thực phẩm vị đắng giúp giảm đau: Do hàm lượng vitamin C cao và chứa nhiều chất có tác dụng kích thích hệ miễn dịch nên thực phẩm đắng giúp giảm đau, viêm, mau lành vết thương.
"Làm mát" bên trong cơ thể và thải độc tố: Thực phẩm vị đắng thường có tính hàn nên có thể làm mát cơ thể. Ngoài ra, có thể làm gia tăng tiểu tiện giúp cơ thể loại bỏ độc tố. Khổ qua nấu nước tắm có thể giúp giảm nổi mẩn ở trẻ em.
Tuy nhiên, lạm dụng thực phẩm đắng không hợp lý có thể gây các rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... Trong hạt khổ qua chứa vicine, ăn nhiều có thể đau bụng, tiêu chảy thậm chí hôn mê.
TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn (trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM)