Thực hư gừng dập chứa chất độc gây ung thư

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin trên mạng cho rằng gừng tươi bị dập nát, teo tóp sẽ sản sinh ra chất độc shikimol, song điều này chưa được ghi nhận một cách khoa học. 

Chưa nghe nói!
Chị Nguyễn Phương Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, mấy ngày hôm nay chị đọc được thông tin trên mạng internet khuyến cáo về việc gừng là thực phẩm không nên để lâu, bởi sau một vài ngày nó sẽ bị mềm, tóp đi và hỏng dần ở những nhánh nhỏ, các vết cắt. 
Nếu vì tiếc rẻ mà cố cắt bỏ phần hỏng và dùng tiếp phần nguyên vẹn của củ gừng thì nguy cơ hại sức khoẻ do có chất độc shikimol rất cao. Đây là chất có sẵn trong củ gừng chứ không phải chỉ ở phần dập nát nên không thể cắt bỏ hết. Cũng theo khuyến cáo, chất shikimol là hoạt chất với độc tính rất cao, có thể gây sự biến đổi tế bào gan của một người đang khoẻ mạnh, cho dù lượng chất này có thể bị hấp thụ rất ít.
Trao đổi về vấn đề này, cả PGS.TS Hà Văn Thuyết, Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, ông chưa bao giờ nghe nói đến gừng có chất độc này. Theo ông, gừng là thực phẩm được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống, được dùng gần như hằng ngày cũng như được cha ông đúc kết cách sử dụng. Với đặc điểm có tính nóng, mùi thơm, vị cay nên được dùng làm gia vị, chữa bệnh. Có thể có những biến chứng từ đặc tính nóng này như sử dụng gừng sai mục đích chứ chưa bao giờ nghe nói đến bản thân củ gừng sinh ra chất độc. 
"Những thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra bằng chứng khoa học thì người dân không nên lo lắng. Dân gian vẫn sử dụng gừng nếu có bị dập hoặc khô, miễn sao cắt bỏ phần hỏng đến tránh nhiễm bẩn", PGS.TS Hà Văn Thuyết cho hay. 
Gừng là thực phẩm sử dụng rộng rãi trong cuộc sống, được dùng gần như hằng ngày. 
Làm tăng lưu lượng máu
Đồng quan điểm, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội nhấn mạnh, gừng là thực phẩm an toàn trong cuộc sống, không có cơ sở nào nói gừng dập chứa chất phá hoại gan. Điều này người dân không nên tin tưởng. Nếu có, gừng khi bị dập có thể nhiễm khuẩn nên cần loại bỏ phần hỏng, gừng khô teo tóp làm giảm tinh chất có trong đó nên không được sử dụng mà thôi. 
Theo các chuyên gia, trong các trường hợp gừng gây tai biến cho người bệnh gan chỉ có thể là do gừng nóng nên không tốt. Tuy nhiên, không vì thế mà không dùng, chỉ là cần hạn chế. Ngoài ra, gừng cũng được chỉ định không dùng cho người cao huyết áp, bị đột quỵ, xuất huyết máu não. Bởi với những người có bệnh này thì gừng làm tăng lưu lượng của máu nên bệnh càng nặng hơn.
Gừng có thể sử dụng sống hay chín, trong đó gừng nướng có hiệu quả cao nhất do nhiệt độ nướng làm tăng độ ấm, tinh chất được khuynh đại lên. Ví dụ, người bị sôi bụng đầy hơi có thể dùng gừng nướng nóng để ăn hoặc giã dập làm nước uống. Còn người bị ho, ăn uống lạnh bụng có thể dùng gừng tươi mà không cần nướng nóng. Vì gừng sống và chín khác nhau nên gừng sống trong Đông y gọi là sinh khương, còn gừng chín gọi là can khương. 
"Chất shikimol còn được gọi là chất safrole. Theo một số thử nghiệm trên chuột, chất này gây ung thư nhưng với người chưa có ghi nhận. Vì thế, ở góc độ nào đó người ta lo lắng có thể tác động đến gan theo chiều hướng xấu như làm viêm gan, làm hoại tử tế bào gan dẫn đến ung thư... Trên thực tế, shikimol là một dạng tinh dầu, có nhiều trong thực phẩm tự nhiên như quế, hạt tiêu, húng quế. Đến nay chưa có bất cứ thông tin nào cảnh báo trong thực phẩm tự nhiên gây độc một cách có cơ sở khoa học".
ThS Nguyễn Thục Quyên (Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội)
Vân Đài