Chăm sóc móng là nghề phổ biến của phụ nữ gốc Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, họ đối mặt với nguy cơ sức khỏe suy giảm và bệnh tật nặng do thường xuyên tiếp xúc hóa chất.
|
Phụ nữ gốc Việt tại một tiệm làm móng ở Mỹ. |
Le Thi Lam là một trong những người Việt làm móng ở Mỹ. Cô đến Mỹ vào khoảng cuối thập niên 80. Cô bắt đầu học việc tại một tiệm làm nail (chăm sóc móng tay, chân) ở thành phố Sacramento, bang Carlifornia. Lọ sơn móng, chai nước rửa và móng giả là những vật dụng trở nên quen thuộc với cô mỗi ngày vì yêu cầu của công việc.
Năm 1991, Lam mắc bệnh rối loạn tuyến giáp và hen suyễn. Cô xin nghỉ việc vì sức khỏe yếu dần và cũng vì lo ngại về những hóa chất mà cô tiếp xúc mỗi ngày. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, Lam buộc phải quay trở lại cửa hàng do cô không thể tìm công việc mới vì khả năng tiếng Anh hạn chế.
10 năm sau khi trở thành
thợ làm nail chuyên nghiệp, Lam mắc bệnh ung thư vú. "Những người làm móng đều trải qua các giai đoạn bệnh như tôi. Nhưng họ vẫn phải tiếp tục công việc để kiếm sống", Lam nói với New York Times.
Lam chưa phải là trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng nhất vì hóa chất trong số những người nhập cư cùng nghề. Nancy Otavalo, 39 tuổi, người gốc Ecuador, sảy thai đứa con thứ hai trong lúc đang mát xa cho khách. Còn con trai 3 tuổi của cô Monica A. Rocano, 30 tuổi, mắc chứng chậm phát triển.
Rocano lặng lẽ lên mạng để tìm hiểu nguyên nhân khiến con chậm phát triển. Cô phát hiện nhiều trường hợp bệnh tật, thậm chí bi kịch, tương tự của những nữ đồng nghiệp. Tình trạng phổ biến đến nỗi những thợ làm móng lâu năm luôn cảnh báo các cô gái đang trong độ tuổi mang thai tránh xa công việc này.
Theo New York Times, ngày càng nhiều
thợ làm nail gốc Việt ở thành phố Oakland, bang California, cho biết sức khỏe của họ giảm sút dần.
Tiến sĩ Thu Quach, một chuyên gia của Viện Ngăn ngừa Ung thư tại California đã thực hiện khảo sát về tình hình sức khỏe của những thợ làm móng tại hạt Alameda (bao gồm Oakland). Le Thi Lam là một trong những người đã cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe cho cô Quach.
Một số nghiên cứu khác của Quach cho thấy, phụ nữ làm nail đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai, hoặc kích thước thai nhi nhỏ so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cô thừa nhận các chuyên gia vẫn phải tiếp tục tìm hiểu do dữ liệu nghiên cứu còn hạn chế.
"Điều chúng tôi biết chắc chắn là những câu chuyện như vậy rất nhiều và rất giống nhau", nữ tiến sĩ nói.
Giới y học từng cảnh báo những căn bệnh về hô hấp và da đối với những người làm móng. Tuy nhiên, điều còn gây tranh cãi là những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn của chúng đối với sức khỏe. Một số hóa chất trong các sản phẩm làm móng có thể gây ung thư, một số chất khác tác động đến quá trình phát triển của thai nhi, dẫn đến hiện tượng sảy thai hoặc trẻ phát triển không bình thường.
|
Anh Toan Ngoc Do, một học viên làm nail tại San Francisco. |
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người mắc ung thư, sinh non, chứng đa u tủy đang có xu hướng tăng trong nhóm thợ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm thợ làm móng, làm tóc và chuyên viên trang điểm. Tuy nhiên, họ vẫn dè dặt trong việc đưa ra kết luận chắc chắn vì số lượng công trình nghiên cứu về vấn đề này còn hạn chế, đặc biệt là đối với nghề làm nail.
"Chúng tôi như đang chứng kiến bệnh dịch khiến rất nhiều người ốm", bà Julia Liou, người đồng sáng lập hiệp hội những tiệm làm móng lành mạnh ở California, nói. Hiệp hội của bà Liou vận động quốc hội ban hành dự luật hạn chế những loại hóa chất dành cho hoạt động làm móng.
Tuy nhiên, những ông trùm trong ngành mỹ phẩm đã chặn kế hoạch của họ.
Khi tự nhận thấy không đủ khả năng "đấu" với những đại gia trong ngành mỹ phẩm, những nhà hoạt động ở California đã thu hẹp quy mô của cuộc vận động. Họ phát động chương trình kêu gọi các cửa tiệm chăm sóc móng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu ít độc hại hơn và tạo môi trường làm việc thông thoáng hơn.
Cô Tien Tran, chủ Couture Nails & Spa, đã lựa chọn các sản phẩm làm móng sử dụng ít hóa chất độc hại hơn, đồng thời xây dựng hệ thống thoát khí tại cửa tiệm. Ảnh: Seattlepi
Cô Tien Tran, chủ Couture Nails & Spa, đã chọn các sản phẩm làm móng bớt độc hại hơn, đồng thời xây dựng hệ thống thoát khí tại tiệm. Ảnh: Seattlepi
Chỉ 55 trong số hàng nghìn tiệm làm móng ở bang California tham gia chiến dịch. Một tiệm trong số đó là Lulu Nail Spa ở thành phố Burlingame, do bà Hai Thi Le làm chủ.
Vốn là thợ làm móng trong những ngày đầu sang Mỹ, bà Le hiểu rõ những tác hại có thể phát sinh trong công việc.
"Thỉnh thoảng môi trường làm việc của tôi có quá nhiều bột acrylic đến nỗi chồng phàn nàn rằng hơi thở của tôi toàn mùi hóa chất khi tôi hôn anh ấy", bà Le kể.
Hiện tại, Lulu Nail Spa cho phép nhân viên đeo bao tay khi làm việc, lựa chọn kỹ các sản phẩm nước sơn, luôn mở cửa để không khí lưu thông và thoát mùi. Bà Le hi vọng những thay đổi như thế sẽ thu hút sự chú ý của các khách hàng luôn quan tâm đến yếu tố môi trường và sức khỏe khi chăm sóc móng.
Theo Zìng