Cháu Lê Quang T. (5 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng quằn quại, da xanh tái, mạch kém, nguy cơ đe dọa tính mạng... Nguyên nhân là do sau khi ăn, cháu T. bị đau bụng, đi ngoài, nôn nên mẹ đã cho uống thuốc cầm nôn và tiêu chảy.
|
Ảnh minh họa. |
Lời bàn: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, trẻ bị ngộ độc thực phẩm thường có những dấu hiệu rất rõ rệt như nôn, tiêu chảy, mất nước, mất điện giải... Việc xử lý ban đầu, giúp trẻ nôn ra bớt chất độc rất tốt nhưng nhiều gia đình không biết cách làm, thậm chí còn cho con uống thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy. Điều này rất nguy hại, vì chất độc không được thải ra, sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, phải khẩn trương gây nôn cho trẻ để tống hết thức ăn ra ngoài. Tiếp đến phải cho trẻ nằm nghỉ, ăn thức ăn loãng, cho trẻ uống nhiều nước và uống từng chút một (có thể sử dụng Oresol theo đúng chỉ dẫn). Nếu trẻ vẫn bị nôn nhiều, tiêu chảy... nhất thiết phải đưa trẻ tới bệnh viện.
N.Hà (ghi)