- Theo y học cổ truyền, ho trẻ em có nhiều nguyên nhân, phần nhiều do phế hàn, phế nhiệt hoặc do thực tích. Bệnh này liên quan nhiều đến chế độ ăn uống. Sau đây xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc phòng chữa ho theo 3 thể chứng thường gặp.
Nếu trẻ ho đàm loãng nhiều, nước mũi trong, gặp gió lạnh ho tăng do phế hàn... tốt nhất nên ăn ôn bổ phế tiêu đàm gồm:
- Bài 1 (tắc chưng mật ong): Tắc chín 4 - 5 quả, đường phèn 20g, gừng tươi 3 lát, chưng cách thủy chắt lấy nước uống ngày vài lần.
- Bài 2 (vỏ quít, chưng đường phèn): Vỏ quít hoặc vỏ cam 20 - 30g thái lát, đường phèn 20g, gừng 3 lát chưng uống.
- Bài 3 (cá bống kho tộ): Cá bống 2 - 3 con 100g, gừng tươi 3 lát, vỏ quít 20g, thêm nghệ, hành tiêu gia vị vừa đủ kho ăn. Ngoài ra, các món ăn từ thịt, cá, rau, củ, quả, đều cho thêm gia vị cay ấm như gừng, nghệ, tiêu và nên tăng cường ăn rau mùi, kinh giới, tía tô, thìa là, cải cay, húng quế, hành, hẹ, kiệu, đậu phụng... Trái cây nên ăn quít, táo, nho, dâu, na ăn đều tốt.
|
Ảnh minh họa. |
Nếu ho khan, ho cơn, đàm vàng, đại tiện táo khó, nước tiểu vàng do phế nhiệt... Nên ăn vị bổ mát phế gồm:
- Bài 1 (canh rau hẹ): Rau hẹ 100g, thịt heo băm 50g, đậu hũ non 50g, gia vị gừng, hành vừa đủ nấu ăn.
- Bài 2 (cao củ cải): Củ cải 100g, thái lát, nước mía 2 ly sắc còn 1 ly uống 2 - 3 lần.
- Bài 3 (canh rau má): Rau má 100g, thịt heo 50g băm nhỏ gia vị nấu ăn.
- Bài 4 (canh cá lóc): Cá lóc 1 con nướng chín lấy thịt, rau tần ô 100g thêm gia vị nấu ăn. Nếu ho lâu nên dùng vị: Tang bạch bì 6g, địa cốt bì 6g, bối mẫu 6g, mạch môn 6g, hoàng cầm 4g, cát cánh 4g, cam thảo 4g, sinh khương 3 lát, nấu uống hoặc tiềm vịt ăn. Ngoài ra, tăng cường ăn các món khác chế biến chủ yếu có vị rau má, rau hẹ, rau ngót, cải rổ, tần ô, rau diếp, giá đậu, cải soong, mía, chanh, bưởi, sơ ri, dâu đều là vị mát, trẻ em ăn đều tốt.
Nếu trẻ khi ho dễ bị ói ra đàm, bụng đầy, không muốn ăn, thở mệt do thực tích... tốt nhất nên chọn món ăn kiện tỳ tiêu thực, hoá đàm chế biến từ rau hẹ, cải soong, rau mầm, rau ngổ, rau đắng, kiệu, rau mùi, ngò gai, kinh giới, tía tô, thì là, rau húng, ngò gai và các loại rau thơm, rau gia vị như gừng, nghệ, nên ăn trái cây quít, bưởi, khế, đu đủ, bông khế.
Nếu ho đàm quá nhiều dùng bài: Hạt cải canh 4g, hạt cải củ 4g, hạt tía tô 4g. Cách dùng sao thơm sắc uống ngày 1 thang. Bài này rất thích hợp trẻ ho đàm khó thở, ăn kém, bụng đầy.
Phòng trị ho hen trẻ em cần lưu ý: Nếu ho do phế hàn tránh thức ăn sống lạnh như cam, măng, cà, nước lạnh, nước dừa, kem lạnh, ốc và thức ăn có vị chua, đắng quá. Nếu do phế nhiệt, tránh ăn khô, cay, nóng mặn quá. Nếu do thực tích, tránh thức ăn chiên xào, thịt nướng rán, nhiều dầu mỡ và những vị khó tiêu.