|
TTND Nguyễn Xuân Hướng đang bắt bệnh chân tay lạnh cho bệnh nhân.
|
Vào mùa đông, nhiều người hay bị chân tay lạnh ngắt dù đã đi găng tay, ủ ấm trong chăn cả giờ đồng hồ. Việc chân tay lạnh khiến nhiều người sợ mùa đông. Đông y có một số phương pháp chữa hiệu quả chứng bệnh này.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân gây chân tay lạnh. Nếu chỉ chân tay lạnh thôi thì thường do tỳ dương hư mà sinh hàn. Còn nếu chân tay lạnh kèm sợ lạnh thì do thận dương kém, biểu hiện mệnh môn hỏa không tốt, không đủ nóng để làm ấm cơ thể (mệnh môn hỏa là cửa của bản mệnh). Cũng có thể chân tay lạnh do rối loạn thần kinh giao cảm. Việc điều trị phải tùy thuộc vào nguyên nhân.
BS Quan Đông Hoa, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Y học Cổ truyền, trường Đại học Cần Thơ cho biết, sở dĩ chân tay lạnh là do lưu thông máu không tốt. Vì thế, người bệnh không nên lười biếng vào mùa đông (càng lười sẽ càng lạnh) mà nên tăng cường thể dục, vận động để máu lưu thông nhiều hơn. Khi máu lưu thông tốt đến các chi thì sẽ không thấy lạnh nữa. Ngoài vận động, buổi tối trước khi đi ngủ, nên ngâm chân vào nước nóng, sau đó lau khô rồi chui vào chăn ủ ấm chân tay luôn. Chỉ cần ngâm nước nóng thường, không cần phải nước nóng già, cũng không cần thêm muối hay phèn. Điều quan trọng là phải ngâm thường xuyên ở thời điểm trước khi đi ngủ vào buổi tối.
Vào mùa đông, mọi người, đặc biệt là người hay bị chân tay lạnh nên ăn đồ nóng (canh nóng, súp nóng...), không ăn các đồ hàn lạnh (ví dụ như bột sắn, quả thanh long... là những thức dùng để giải nhiệt). Trong thực đơn ăn uống, nên chú ý ăn nhiều cà rốt hơn bởi trong cà rốt có chất caroten có tác dụng kích thích máu lưu thông (đông y coi cà rốt như vị đương quy, giúp làm ấm cơ thể). Uống trà gừng nóng, vừa uống, vừa ủ tay chân cũng là một cách làm nóng cơ thể rất hiệu nghiệm.
Lâm Nhi