|
Ảnh minh họa. |
Lao màng não khởi đầu có biểu hiện khá mơ hồ và trùng lắp với các bệnh viêm màng não khác hoặc các bệnh lý nhiễm khuẩn thông thường. Triệu chứng chủ yếu là sốt nhẹ, có khi sốt cao vào lúc chiều tối, sau đó nhức đầu tăng dần và có thể có ói vọt. Khi diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân rối loạn thị giác như lơ mơ, hôn mê và co giật. Tuy nhiên, lao màng não là nguyên nhân từ nhiễm lao, và cách điều trị cũng phải xuất phát từ phòng và điều trị lao.
Trong các bệnh về lao thì bệnh lao phổi là phổ biến nhất chiếm 80 - 85% và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao, nhưng lao màng não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng nặng. Nếu nhập viện muộn, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lên đến 70 - 80%. Những người còn sống có thể gặp những biến chứng nặng nề gồm: Sống thực vật, động kinh, mù mắt, liệt nửa người hoặc 2 chi dưới, thiểu năng trí tuệ. Lao màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não và màng não. Căn bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, bệnh tập trung ở lứa tuổi 1 - 5. Ở người lớn, lao màng não thường gặp ở lứa tuổi 20 - 50, nam bị nhiều hơn nữ.
Chính vì thế, để phòng bệnh thì cần phòng bệnh lao. Nếu có triệu chứng ho kéo dài từ hai tuần trở lên phải đi khám phổi. Nếu bị phát hiện lao phổi, phải nghỉ ngơi tại nhà và hạn chế tiếp xúc với người thân ít nhất hai tuần sau điều trị, mỗi khi ho phải che miệng, phải đeo khẩu trang y tế. Uống thuốc đúng và đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi thấy cơ thể có những triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ù tai kéo dài, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ, nhất là những người đã mắc các thể lao khác (như lao phổi, lao hạch, lao tiết niệu, lao xương...). Nếu được phát hiện sớm, dùng các thuốc điều trị lao đặc hiệu và các biện pháp hồi sức tích cực, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ tử vong và di chứng do bệnh đã giảm đáng kể.
ThS Đào Bích Vân (Bệnh viện Phổi T.Ư)