Thống kê của Cục Y tế dự phòng, ngay từ những tháng đầu năm 2015, tình hình bệnh dịch diễn biến hết sức phức tạp.
Trong tháng 1/2015, đã có 133 ca mắc sởi tại 10 tỉnh, thành. Cùng với sự xuất hiện của sởi thì các ca mắc ho gà nhập viện có xu hướng gia tăng hai năm gần đây, đặc biệt là ở Hà Nội, trong khi trước đây bệnh ho gà rất ít. Tại Bệnh viện Nhi trung ương vào tháng 1/2015 có 21 ca mắc ho gà nhập viện, với các triệu chứng ho nhiều, ho dai dẳng.
|
Nhiều bệnh dịch nguy hiểm đang có nguy cơ quay trở lại do không tiêm phòng. |
Bên cạnh sởi, ho gà thì số lượng trẻ mắc các bệnh như thủy đậu, chân tay miệng, rubella cũng ra tăng nhanh chóng.
Trong 2 tháng đầu năm, cả nước nghi nhận tới 3.640 ca bệnh sốt xuất huyết. Đáng nói, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong tại Đồng Nai và Long An. Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang tăng ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 5.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 38 tỉnh thành.
Theo Cục Y tế dự phòng năm 2015 tình hình bệnh dịch có nhiều diễn biết bất thường nhiều bệnh có nguy cơ bùng lên thành dịch nếu các bé không được tiêm phòng đầy đủ.
Cục Y tế dự phòng cũng lý giải, sở dĩ diễn biến bệnh dịch khó lường hơn do nhiều nguyên nhân: Đầu tiên do các bà mẹ không nắm được hoặc biết không rõ ràng lịch tiêm chủng cho con, cũng như loại vắc xin con cần tiêm sau khi sinh là gì... Đặc biệt với những trẻ dưới 1 tuổi do đó không chủ động cho con em mình đi tiêm chủng.
Nguyên nhân thứ 2 là do tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Đó là sai lầm nghiêm trọng, vì chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo đầy đủ vắc xin để tiêm cho trẻ đảm bảo đúng lịch.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là hiện nay một số loại vắc xin tiêm dịch vụ như vắc xin vắc xin 6 trong 1- Infanrix Hexa, vắc xin 5 trong 1 Pentaxim không được các nhà sản xuất cung cấp một cách ổn định do đó dẫn đến tình trạng khan hiếm vắc xin.
Bên cạnh đó vắc xin tiêm phòng Sởi trong vắc xin phòng Sởi và Rubella hoặc trong vắc xin phòng bệnh Sởi, Quai bi, Rubella có lịch tiêm chủng vào lúc trẻ 12 tháng tuổi nên nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin đã nhiễm bệnh từ trước.
Ngoài ra nhiều ông bố, bà mẹ, chính là người đẩy con mình vào nguy cơ nhiễm bệnh dịch cao hơn, không đưa con đi tiêm chủng, vì sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ, sợ trẻ ốm...
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo để ngăn ngừa bệnh dịch và nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ thì" Trẻ em cần phải được tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với trẻ bắt buộc phải hoãn tiêm cần liên hệ với cán bộ y tế xã, phường để được tiêm bù ngay trong thời gian sớm nhất có thể.
Để phòng bệnh ho gà, trẻ cần được tiêm vắc xin lúc 2 tháng tuổi, phòng bệnh sởi trẻ cần được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 lúc 9 tháng tuổi.
Việc tiêm vắc xin phòng bệnh, thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, không chỉ là tự nguyện, mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc xin phòng bệnh, sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.
Thu Nguyên