TS Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai): "Cho đến nay chưa có công trình nào công bố tác dụng thải loại độc tố trong cơ thể bằng nhịn ăn, chỉ uống nước nhưng nhiều người vẫn áp dụng liệu pháp này.
Có người nhịn ăn đến trên 20 ngày để thải độc tố, 3 - 4 ngày đầu họ vật vã thèm ăn, đến ngày thứ 5 - 6 quen dần và đến ngày 20 - 21 thì không thấy thèm ăn nữa nhưng cơ thể rất yếu, phải có người trợ giúp.
|
Chất gì được loại thải và bộ máy tiêu hóa sau một chuỗi ngày nhịn ăn, thanh lọc cơ thể? Ảnh minh họa. |
Vượt qua giai đoạn này đến ngày thứ 23 - 24 họ thèm ăn trở lại. Tuy nhiên tôi muốn nói về thời gian năm 1945 khi nạn đói làm chết nhiều người Việt, sau đó khi đã có miếng ăn thì nhiều người lại chết vì bội thực.
Những người đã nhịn ăn khi ăn trở lại phải có chế độ riêng biệt, ăn từ từ trong những ngày đầu để hệ tiêu hóa làm quen trở lại với thức ăn.
Tôi đã chứng kiến một người bạn thanh lọc cơ thể theo hình thức này. Nhịn qua ngày thứ 20 anh ấy rất yếu, có thể nói là suýt mất mạng, nhưng xung quanh có nhiều bạn bè làm thầy thuốc nên đã cứu kịp thời, trong khi đó kết quả “thanh lọc” thì rất hạn chế.
Về loại hỗn hợp chưa rõ là gì đang được những người tham gia thải độc cơ thể cho là chất độc, sỏi, rác tích tụ trong cơ thể. Tôi cho rằng có thể đó là niêm mạc ruột chết đi được thải ra ngoài để tái tạo niêm mạc mới.
Bình thường niêm mạc này có thể ra ngoài theo phân, nhưng nay do người thải độc cơ thể nhịn ăn nên một phần niêm mạc ruột chết đi, chất không hòa tan được có trong mật ong (hoặc thành phần bổ dưỡng khác trong nước uống), thức ăn còn sót lại tạo thành một hỗn hợp gây sợ hãi và cho rằng đó là chất độc tích tụ.
Những phương pháp thanh lọc cơ thể mới nếu được đưa vào áp dụng, kể cả khóa học có thu tiền thì cần có sự cho phép của ngành y tế trước khi triển khai, nếu để tự phát, xảy ra rủi ro sẽ không truy được người chịu trách nhiệm".
Bác sĩ Nguyễn Danh Sinh (Chủ nhiệm khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Giao thông vận tải I): Khi thức ăn đưa vào cơ thể sẽ được bộ máy tiêu hóa xử lý thành năng lượng, dưỡng chất giúp cơ thể sống và hoạt động, những phần cặn bã không dùng được sẽ hoàn toàn bị đào thải ra ngoài, không thể nào có chuyện những cặn bã này tích tụ, đóng thành mảng trong ruột để chúng ta phải tìm cách thanh lọc, loại bỏ cặn bã...
Cơ thể con người là thể hữu cơ, hoạt động liên hoàn, từng giây từng phút đều có tế bào chết và tế bào mới sinh nên không thể so sánh với những vật vô cơ như đường ống nước lâu ngày có cặn bẩn, gỉ sét.
Việc tích tụ độc tố có thể xảy ra nếu như một bộ phận nào đó trong hệ tiêu hóa có vấn đề, ví dụ như gan bị xơ, chất độc ứ lại tại mật dẫn đến việc khó tiêu, vàng da... hay như thận suy không thải được axit uric trong máu...
Còn đối với cơ thể bình thường, vốn dĩ quá trình thải độc đã diễn ra tự nhiên, không cần can thiệp.
Tôi cho rằng những thứ gọi là “cặn bã”, “độc tố” “màng nhầy”... sau quá trình thực hiện việc thanh lọc bằng các loại nước chanh, mía, cà phê, nước me... thật ra là sản phẩm cuối cùng của quá trình tiêu hóa thông thường hoặc dịch tiêu hóa mà thôi.
Cách “thanh lọc” tốt nhất theo tôi là uống nhiều nước, trên dưới 2 lít nước mỗi ngày, sẽ rất tốt cho quá trình tiêu hóa đồng thời tránh được hiện tượng lắng cặn ở thận gây sỏi thận.
Theo Lan Anh-Quỳnh Liên/Tuổi Trẻ