Thay vì ướp trà với hoa sen hay hoa nhài để tạo ra hương thơm khi pha chế, chỉ cần ra chợ mua vài gói hương liệu về trộn đều là cho ra loại trà “chất lượng cao” để kiếm lời. Theo các chuyên gia, việc nhận biết trà tẩm hóa chất với người ít kinh nghiệm không phải là dễ.
Trà thơm nhờ hóa chất
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và môi trường (C49B - Bộ Công an) vừa phối hợp với Quản lý thị trường quận Bình Thạnh ập vào cơ sở sản xuất trà Đông Phương ở (128/13/26, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM) do bà Trần Thị Kỳ làm chủ phát hiện hơn 12 tấn trà nguyên liệu và thành phẩm không nguồn gốc. Tại thời điểm kiểm tra, số trà trên không nhãn mác, thành phần, chỉ tiêu và cách sử dụng...
Ngoài ra, tất cả nguyên liệu làm trà đều không có hóa đơn chứng từ hay các giấy tờ công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài hàng tấn nguyên liệu trà không nguồn gốc, tại cơ sở trà Đông Phương còn có chục thùng nhựa chứa hương liệu được cho là hương nhài và sen. Bên ngoài, loại bột hóa chất này nhìn bề ngoài không khác gì bột ngọt.
Chủ cơ sở cho biết mua với giá 680.000đ/kg. Hiện cơ sở còn 4kg hóa chất này. Ngoài ra, khi chế biến, cơ sở còn dùng một loại hương liệu hương sen khác bằng nước chứa trong một bình nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cứ 3 kg trà sẽ cho vào 1gr bột hóa chất hương liệu, rồi đưa vào lò sấy trong 25 phút và đóng gói thành từng loại. Mỗi kg trà này cơ sở Đông Phương bán ra từ 120.000 – 200.000đ/kg theo loại.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, từ lâu người ta đã sử dụng các hương liệu này do việc tìm kiếm các hương liệu từ tự nhiên rất hiếm và không đủ cho nhu cầu sử dụng. Nhiều người cho rằng, uống vào chẳng làm sao cả thì cứ uống, nhưng ở góc độ phân tích hóa học, uống các loại hương liệu này vào cơ thể được coi là “uống chất độc”.
Hóa chất không có trong danh mục cho phép
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hóa chất hương nhài có nguồn gốc từ penzylacetat, trong khi hương sen từ P- Dimethoxy penzin. Đây là các chất đều xếp loại độc hại gốc hữu cơ, vì vậy ngâm tẩm các chất này lâu ngày, liều lượng cao làm cho người ngửi sẽ bị chóng mặt, thậm chí ngất xỉu do tác động lên hệ thần kinh. Đây là những hương liệu tổng hợp không có trong danh mục hóa chất dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế. Dù thị trường bán tràn lan các loại hóa chất này nhưng chính Bộ Y tế cũng không có động thái gì để cấm. Hơn nữa, đây là những hóa chất được sử dụng từ rất lâu rồi và chẳng có ai bị chết vì uống loại đồ uống ướp hóa chất này cả, nên người ta vẫn cứ sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, trà ướp sen mỗi năm cả nước chỉ làm ra được từ vài trăm kg đến một vài tấn, bởi quy trình làm cầu kỳ, số lượng hoa sen lại chỉ có theo mùa và không phải vùng nào cũng trồng được. Bởi hiếm nên đắt, giá thành 1kg trà ướp sen lên đến vài triệu đồng, trong khi đó chè ướp hương liệu sen thì chỉ khoảng trên dưới 100.000đ. Sự khác biệt rõ ràng về giá cả là tiêu chí đầu tiên để người ta phân biệt trà sen thật hay trà hương liệu. Bởi thế người ta hay nói đùa, trà sen thật chỉ dành cho “đại gia”. Đối với trà nhài, vì việc trồng và sản xuất hoa nhài ướp chè không quá khó nên người ta ít lạm dụng hóa chất hơn hoa sen.
Việc phân biệt trà ướp hóa chất hay ướp hoa thật không khó. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, chỉ cần ngửi mùi thoáng qua là biết trà ướp hoa thật hay ướp hóa chất. Trà ướp hoa sen có mùi rất phong phú, nhẹ nhàng, sen đầu mùa khác sen cuối mùa, trong khi đó trà ướp sen hương liệu có mùi hắc, đậm, đơn điệu, không có sự tinh tế. Còn với hoa nhài tự nhiên, mùi thơm mát, trong khi đó tinh dầu nhài có mùi hóa chất rất đặc trưng để nhận biết.
“Các loại hóa chất nhân tạo chắc chắn là không tốt cho sức khoẻ, nhưng không tốt ở mức độ nào, tác hại đến đâu phải có những nghiên cứu cụ thể. Hiện ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có nghiên cứu cụ thể nào về các loại hương liệu tổng hợp này, vì trên thế giới đa phần người ta không sử dụng hương liệu này vào thực phẩm. Bản thân người dùng phải cân nhắc để hài hòa giữa ngưỡng chịu đựng của cơ thể với hóa chất mình dung nạp để quyết định sử dụng hay không”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Bảo Khánh