Nhận biết nguyên nhân của bệnh động kinh

Google News

(Kiến Thức) - Có nhiều nguyên nhân gây động kinh, nhưng có thể xếp vào hai nhóm chính là bệnh lý thần kinh nguyên phát và nhóm các bệnh khác.

Các bệnh thần kinh nguyên phát
- Co giật lành tính do sốt ở trẻ em: Xảy ra ở 2-4% trẻ em từ 3 tháng đến 5 tuổi. Thường xảy ra trong ngày sốt đầu tiên và không có biểu hiện của nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương (viêm não, viêm màng não), không có biểu hiện tổn thương khu trú hệ thần kinh trung ương. Thời gian co giật không đến 15 phút. Trong tiền sử gia đình có thể có người bị co giật tương tự hoặc các chứng co giật lành tính khác. 
- Động kinh vô căn: Chiếm 75% số bệnh nhân động kinh. Tuổi phát bệnh thường đến 25 năm. Trong số đó, 75% có cơn đầu tiên trước tuổi 18. Các bệnh nhân có thay đổi điện não, các bệnh nhân có liệt Todd sau cơn, có triệu chứng thần kinh kéo dài, trạng thái động kinh, hoặc có tiền sử gia đình thường dễ bị  cơn tái phát.
 Ảnh minh họa.
- Chấn thương sọ não: Là nguyên nhân gây động kinh thường gặp, đặc biệt khi xảy ra ở giai đoạn chu sinh, hoặc chấn thương gây lún sọ cũng như gây chảy máu não, chảy máu dưới nhện. Cơn động kinh thường xuất hiện trong vòng một tháng đến một năm sau chấn thương sọ não. 
- Đột quỵ não: Khoảng 5 - 15% bệnh nhân đột quỵ có các cơn co giật. Tương tự như co giật trong chấn thương, những cơn co giật trong tuần đầu tiên sau đột quỵ không có ý nghĩa dự báo một bệnh lý động kinh mạn tính về sau. Các di dạng mạch máu não chưa vỡ cũng có thể gây động kinh do kích thích các tổ chức não xung quanh.
- Khối phát triển nội sọ: Như u não, áp xe não. 50% các u não gây động  kinh trên lâm sàng. Đặc điểm động kinh do u não là động kinh cục bộ và thường xảy ra muộn (sau tuổi 40). Các u não hay gây động kinh là u nguyên bào thần kinh đệm, u tế bào sao và u màng não. Đa số các u này khu trú ở bán cầu đại não.
- Viêm màng não, viêm não: Có thể do vi khuẩn (H. inf;uenza), virus (Herpes simplex), lao, nấm, ký sinh trùng (cysticercosis). Động kinh ở đây thường nằm trong bệnh cảnh lâm sàng của viêm màng não, viêm não.
Nhóm các bệnh khác 
Có thể kể đến là giảm đường huyết đặc biệt khi đường huyết còn có 20 - 30mg%; hạ natri huyết nếu nồng độ còn dưới 120mE/L hoặc ở mức cao hơn nhưng giảm xuống nhanh cũng có thể gây co giật; hạ canxi huyết nếu trong khoảng 4,3 - 9,2mg% có thể gây co giật; tăng ure huyết cũng có thể gây co giật; bệnh thoái hoá gan - não, có thể là các cơn cục bộ hoặc toàn thể; cai thuốc, đặc biệt khi cai rượu, các thuốc an thần. 
Loại cơn thường gặp là cơn co cứng co giật, các cơn này thường tự thuyên giảm; thiếu máu não toàn bộ do ngừng tim; bệnh não tăng huyết áp có thể gây cơn toàn thể co cứng, co giật hoặc cơn cục bộ; sản giật ở các sản phụ có tăng huyết áp, proteine niệu và có phù thường dễ bị sản giật trong giai đoạn chưa sinh...
GS Nguyễn Văn Chương (Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh, Bệnh viện 103)